Gần 1/10 doanh nghiệp nhà nước lỗ phát sinh tổng 619 nghìn tỉ đồng

Có 44/491 DNNN có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ phát sinh là 619 tỉ đồng. Trong khi tổng tài sản của 491 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là xấp xỉ 3 triệu tỉ đồng.

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lí, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019.

44/491 doanh nghiệp nhà nước lỗ phát sinh tổng 619 nghìn tỉ đồng - Ảnh 1.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2019 gần 3 triệu tỉ đồng. (Ảnh: Bảo Hân/ QDND).

Tổng tài sản của 491 DNNN khoảng 3 triệu tỉ đồng

Theo số liệu báo cáo từ các cơ quan đại diện chủ sở hữu (các Bộ quản lí ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2019, có 491 DNNN kinh doanh thông thường có báo cáo. 

Trong đó, có 6 tập đoàn kinh tế (TĐ); 55 tổng công ty nhà nước (TCT); 15 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con (Công ty mẹ - con); 415 Công ty TNHH MTV độc lập thuộc Bộ quản lí ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (doanh nghiệp độc lập).

Qua phân tích, đánh giá số liệu từ báo cáo của các Bộ quản lí ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (số liệu báo cáo tài chính hợp nhất), tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 của 491 DNNN cho thấy: Tổng tài sản của các DNNN là 2.992.834 tỉ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018. Tỉ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 38% tổng tài sản. 

Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.738.533 tỉ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.

Về vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1.425.050 tỉ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 1.274.356 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2018, chiếm 89% tổng vốn chủ sở hữu.

Về lãi phát sinh trước thuế của các DNNN đạt 162.750 tỉ đồng, giảm 2% so với thực hiện 2018. Trong đó, tỉ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DNNN năm 2019 là 11% (năm 2018 là 12%); Tỉ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/Tổng tài sản bình quân chung của các DNNN năm 2019 là 5% (năm 2018 là 6%). 

Có 44/491 DNNN (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 619 tỉ đồng.

Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của các DNNN là 283.000 tỉ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 73% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các DNNN).

DNNN vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế

Báo cáo cho biết, các DNNN trong thời gian qua vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN), đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Các DNNN hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc đóng vai trò dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế như điện lực, năng lượng, an ninh, quốc phòng, cảng biển, sân bay… 

Đồng thời, các DNNN cũng có các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Theo Báo cáo, về cơ bản các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của các DNNN đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực tài chính tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.