Gặp Bộ trưởng Giáo dục 34 tuổi của Phần Lan

VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan về đổi mới giáo dục của nước này.

Nụ cười thân thiện, trang phục là quần đen và áo kẻ sọc đen trắng, tác phong nhanh nhẹn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan đã gây ấn tượng tốt đẹp với những người tiếp xúc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác các nước Bắc Âu nhằm tìm hiểu và xúc tiến các cơ hội hợp tác quốc tế về giáo dục, sáng ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan Sanni Grahn-Laasonen.

gap bo truong giao duc 34 tuoi cua phan lan

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Sanni Grahn Lassonen

Tại phiên làm việc ngắn gọn, trực tiếp hội đàm bằng tiếng Anh với đối tác, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị phía bạn hỗ trợ kỹ thuật về giáo dục. Ngoài những nội dung về khả năng hợp tác phát triển chương trình đào tạo, chuyển giao tài liệu và học liệu, thúc đẩy các hoạt động về khởi nghiệp, hai bên đã dành thời gian đề cập nhiều tới chuyện phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Sau buổi hội đàm, 18 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học Việt Nam và đối tác Phần Lan đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Giáo dục 2 nước.

gap bo truong giao duc 34 tuoi cua phan lan

Bộ trưởng Sanni Grahn-Laasonen

Sanni Grahn-Laasonen trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan từ năm 2015, lúc 32 tuổi (bà sinh năm 1983). Trước đó, bà từng làm Bộ trưởng Môi trường. Kể từ khi làm Bộ trưởng Giáo dục, bà đã thúc đẩy thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, với một chương trình vừa thông qua năm 2016.

Lấy bằng cử nhân khoa học xã hội, sau đó Sanni Grahn-Laasoen hoàn thành tiếp bằng thạc sĩ khoa học chính trị. Bà đã từng làm nhà báo, rồi tổng biên tập của một tờ báo ở Phần Lan. Ngoài ra, Lauren cũng tham gia Quốc hội từ khá sớm.

Bên lề sự kiện, Bộ trưởng Phần Lan đã dành cho VietNamNet cuộc trao đổi ngắn.

Phóng viên: Thưa bà, kể từ khi Phần Lan nổi lên là một kỳ tích giáo dục, đã có hàng trăm đoàn tham quan từ các nước trên thế giới cùng nhiều chương trình, bài báo giới thiệu về điều ưu việt này. Bà có thể cho biết một cách ngắn gọn nhất những giá trị của giáo dục Phần Lan là gì?

- Bộ trưởng Sanni Grahn-Laasoen: Phần Lan có một hệ thống giáo dục bình đẳng, đảm bảo sự công bằng cho mọi người. Chúng tôi muốn tạo ra cơ hội cho tất cả người dân, cho dù họ đến từ hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo đi chăng nữa.

Kết quả học tập của học sinh Phần Lan theo đánh giá của PISA thuộc hàng cao nhất thế giới. Bí mật của thành công này nằm ở đội ngũ giáo viên. Chúng tôi có đội ngũ giáo viên chất lượng cao. Tất cả giáo viên được tuyển chọn khắt khe, họ đều có bằng thạc sĩ.

Ở Phần Lan, nghề giáo là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng.

gap bo truong giao duc 34 tuoi cua phan lan

Cùng với các đồng nghiệp trong Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan

Giáo viên của chúng tôi được trao quyền tự chủ rất lớn. Họ được tự do trong phương pháp sư phạm, tài liệu dạy học và tổ chức chương trình.

Giáo viên cũng như học sinh không bị kiểm soát và giám sát nghiêm khắc.

Chúng tôi không có những bài kiểm tra tiêu chuẩn vì không muốn học sinh bị áp lực. Điều quan trọng, chúng tôi cần học sinh cảm thấy vui vẻ, thoái mái khi tới trường.

Lương của giáo viên ở Phần Lan có được trả cao không, thưa bà?

- Giáo viên được trả lương khá tốt, tất nhiên là không được như bác sĩ.

Tôi muốn nói rằng lương giáo viên cũng quan trọng, nhưng ở đất nước chúng tôi, có những lý do khác hơn nữa để cho thấy tầm quan trọng của nghề giáo.

Nhìn chung, rất nhiều người muốn trở thành giáo viên. Ở các trường đào tạo sư phạm, mỗi lần tuyển sinh cứ 10 người thì mới có 1 người được chọn học. Những người tài giỏi và thông minh nhất mới làm nghề sư phạm.

Chúng tôi coi trọng việc đào tạo giáo viên theo hướng nghiên cứu. Đó là cơ sở để họ chủ động xây dựng chương trình học tập cùng với học sinh.

Ngoài ra, phụ huynh, học sinh, các cơ quan quản lý giáo dục và xã hội rất yên tâm, tin tưởng vào giáo viên.

Việt Nam có diện tích tương đương Phần Lan, lịch sử có một số nét tương đồng so với Phần Lan trước đây. Hiện nay, dân số Việt Nam lớn hơn gấp nhiều lần Phần Lan, nền tảng kinh tế xã hội cũng còn có khoảng cách xa so với Phần Lan. Vậy thì theo bà, Việt Nam có thể học hỏi Phần Lan những gì để phát triển giáo dục hiệu quả?

- Phần Lan là nước có dân cư ít, mỗi học sinh đều được tạo cơ hội để phát huy tiềm lực tốt nhất, có thể cạnh tranh với quốc tế. Kể từ khi độc lập cách đây 100 năm (1917), chúng tôi đã đầu tư cho giáo dục rất nhiều và từ rất sớm.

gap bo truong giao duc 34 tuoi cua phan lan

Chân dung Bộ trưởng Sanni Grahn Laasonen trên một trang web của Phần Lan

Sau 100 năm, Phần Lan giờ trở thành nước giàu có, phát triển với mức sống cao nhất trên thế giới. Tất cả vì chúng tôi đầu tư cho giáo dục, cả nước coi giáo dục là quan trọng, và ai cũng muốn phát triển điều đó trong tương lai.

Có thể nói Phần Lan được biết đến rộng rãi trong những thập kỷ gần đây với điện thoại Nokia và hiện tượng “giáo dục thần kỳ”. Hiện nay, Nokia đã suy yếu. Bà có nghĩ rằng đến một lúc nào đó, giáo dục của Phần Lan cũng sẽ mất thế thượng phong Nokia đã từng?

- Thế giới thay đổi rất nhanh và chúng tôi luôn phải nỗ lực để băt kịp với sự phát triển của nhân loại.

Chúng tôi phải cố gắng học tập hàng ngày, học tập cả đời để phát triển.

Xin cảm ơn bà!

Phần Lan đầu tư cho giáo dục từ rất sớm

- Trường đào tạo giáo viên đầu tiên được thành lập năm 1863. Một năm sau khi Luật Giáo dục bắt buộc có hiệu lực (1921), Kế hoạch phát triển việc đào tạo giáo viên ra đời (1922). Năm 1971, ban hành Luật Đào tạo giáo viên.

Từ năm 1974, việc đào tạo giáo viên tiểu học, THCS, THPT được thực hiện ở các trường đại học với trình độ thạc sĩ. Cũng từ năm này, tất cả trường đại học đều mở bô môn giáo dục và đào tạo giáo viên. Năm 1979, Phần Lan đã có đợt đổi mới giáo dục.

- Lương trung bình của giáo viên Phần Lan là 39.500 USD (15 năm kinh nghiệm) so với mức trung bình của OECD là 42.700 USD.

Sự trung thực là nền tảng cho thành công của giáo dục Phần Lan

Nhờ sự trung thực, trường học không có thanh tra, giám sát, không cần chấm điểm từ lớp 1 đến lớp 6 (chỉ nhận xét bằng lời hoặc qua văn bản cuối năm).

Suốt 12 năm học chỉ có một kỳ thi hết phổ thông. Nhưng học sinh vẫn đạt các kết quả cao theo đánh giá của thế giới, và hoà nhập dễ dàng với cuộc sống. Theo một nghiên cứu của tổ chức OECD, 94% người Phần Lan hài lòng với cuộc sống ở đất nước mình, 94% tin rằng họ tìm được người tin tưởng khi cần thiết.

(Trích chương 9 “Giáo dục – sức mạnh mềm của Phần Lan”, sách “Phần Lan – Ngôi sao phương Bắc, Võ Xuân Quế, ấn bản năm 2017, Nhà xuất bản Thế giới).

Đại diện Uỷ ban Phát triển Giáo dục Phần Lan: “Tương lai của giáo dục là tập trung phát triển nhân cách con người”

Việt Nam đang thúc đẩy đổi mới, cố gắng làm cho nền giáo dục nước nhà tốt lên và chúng tôi cũng như vậy, đang cố gắng cải tiến giáo dục của mình. Dù được đánh giá là tốt nhưng chúng tôi biết mình chưa thể dừng lại. Việc đổi mới giáo dục ở Phần Lan đang chuyển từ giúp cho trẻ em “học cái gì” sang “học thế nào”.

Vai trò của giáo viên từ trung tâm chuyển sang hướng dẫn, hỗ trợ học sinh. Chúng tôi đang tiến đến một xã hội mà ở đó, với công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thì máy móc làm được nhiều việc thay con người.

Đó cũng là lúc trái tim con người quan trọng hơn và giáo dục ngay từ bây giờ phải chuẩn bị cho học sinh “đón đầu” được điều này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những phẩm chất của con người mà máy móc không có được là sự ham học hỏi, ham hiểu biết, đồng cảm với người khác.

Tương lai là giáo dục tập trung vào phát triển nhân cách, hay nói khác đi là phát triển năng lực, phẩm chất của con người.

Bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM): "Để vận dụng được những phương pháp giáo dục hiện đại, thì nhận thức của bản thân giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục và cả các yếu tố liên quan phải thay đổi". Trong chuyến công tác này, tôi đã được tham quan các trường tiểu học thiết kế theo không gian mở, với cách dạy học mở. Với chế độ phúc lợi xã hội tốt, học sinh không phải đóng phí đi học, được miễn phí bữa ăn, tôi thấy thực sự ở đây “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Điều khác biệt tôi nhận thấy rõ là yếu tố giáo viên. Để vận dụng được những phương pháp giáo dục hiện đại, thì nhận thức của bản thân giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục và cả các yếu tố liên quan phải thay đổi. Ở trường tiểu học nơi tôi đến tham quan, có điều khác biệt với ở mình là nếu thầy cô không đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì hiệu trưởng có quyền không hợp tác.

Việt Nam hiện nay cũng đang có những bước đi nhằm trao quyền tự chủ cho giáo viên. Chẳng hạn, đã có những hướng dẫn giáo viên có thể linh hoạt tổ chức buổi học, tăng giảm thời lượng cho phù hợp. Nhưng giáo viên cũng chưa mạnh dạn thực hiện điều này. Để đổi mới giáo dục thành công, cũng cần thay đổi đến từ phía xã hội.

Thời trước, nghề giáo được coi là cao quý nhưng ngày nay, thầy cô giáo cũng tâm tư về điều này, chẳng hạn những câu chuyện về nghề giáo trên truyền thông cũng khiến dư luận nhìn nhận về nghề giáo phần nào méo mó. Chúng tôi muốn xã hội có cái nhìn nhận đúng với vị trí của nghề. So với mức sống trong xã hội, lương bình thường như bao nghề khác, nhưng giáo viên Phần Lan đều tận tâm, tự trọng với nghề mà mình đã chọn.

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT): "Tôi rất tâm đắc nền giáo dục mở, dân chủ, tạo sự sáng tạo cho người học của giáo dục Phần Lan".

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam vừa thông qua cũng xác định giáo dục sẽ chuyển mục tiêu từ dạy kiến thức chủ yếu sang phát triển năng lực. Việt Nam đang đổi mới cách tiếp cận giáo dục theo hướng phân cấp, xây dựng kế hoạch dạy học, phát triển chương trình nhà trường – tạo điều kiện cho giáo viên làm chủ bài giảng.

Chúng ta cũng đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá cuối kỳ, chẳng hạn như Thông tư 22 ở bậc tiểu học. Những điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Bộ GD-ĐT về đổi mới.

Phần Lan có các điều kiện đảm bảo dạy học tốt hơn chúng ta. Một điều tâm đắc nữa là để có chất lượng giáo dục như ngày nay, cả nước bạn đã chung tay cùng nhau phát triển giáo dục từ rất sớm.

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.