Hai lần đều đạt dưới 50% số phiếu tín nhiệm
Cục Hải quan TPHCM là đơn vị lớn nhất trong ngành hải quan, trực thuộc Tổng cục Hải quan (TCHQ), Bộ Tài chính. Đơn vị này chiếm tới 1/5 cán bộ nhân viên toàn ngành với gần 2.000 cán bộ, công chức trong biên chế. Có lẽ cũng vì số lượng nhân sự nhiều quá nên riêng ban lãnh đạo cục có tới... 6 cục phó. Hằng năm, Cục Hải quan TPHCM đóng góp tới 35% nguồn thu vào ngân sách Nhà nước của toàn ngành hải quan với hơn 100.000 tỷ đồng, quản lý hơn 40.000 doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động hải quan.
Tuy nhiên, dù nắm giữ vị thế cực kỳ quan trọng như vậy nhưng đã hơn 2 năm qua (từ 1/6/2015 đến nay), Bộ Tài chính vẫn chưa chọn được người xứng đáng vào ngồi ghế Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM sau khi bà Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hương nghỉ hưu. Do đó, ông Hoàng Việt Cường, Tổng cục phó TCHQ vẫn phải kiêm nhiệm, phụ trách đơn vị. Theo quy định, việc bổ nhiệm này phụ thuộc Bộ Tài chính và Thành ủy TPHCM.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, đến thời điểm này, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã phải thông báo tạm dừng bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM. Thời gian bổ nhiệm lại chưa được quyết định.
Lật lại quá trình bổ nhiệm trước đó mới thấy vô cùng phức tạp. Đầu tháng 6 vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính phải có văn bản 829 liên quan việc bổ nhiệm cán bộ có dấu hiệu sai phạm tại Cục Hải quan TPHCM. Theo đó, ngày 6/10/2016, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã làm việc với Thường trực Thành ủy TPHCM về nhân sự Cục Hải quan TPHCM.
Qua đó, thống nhất cần sớm kiện toàn nhân sự cục trưởng cục này từ nguồn nhân sự tại chỗ đã được quy hoạch. Bộ Tài chính tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm bổ nhiệm chức danh cục trưởng đối với ba Phó Cục trưởng gồm: Ðinh Ngọc Thắng, Phan Minh Lê, Phạm Quốc Hùng vốn đã được quy hoạch. Tuy nhiên, kết quả cả ba người đều chỉ đạt mức tín nhiệm dưới 50%.
Liên tiếp sau đó, hàng loạt đơn thư tố cáo tiêu cực, tham nhũng, vi phạm điều lệ đảng viên đối với một trong những người được đề bạt lấy phiếu thăm dò tín nhiệm là ông Đinh Ngọc Thắng - Cục phó Cục Hải quan TPHCM. Ngoài ra, còn có ông Đỗ Thanh Quang – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị tố cáo có sai phạm.
Theo nội dung đơn thư, suốt từ năm 2013 đến nay, hai ông Thắng và Quang liên tục đi nước ngoài hàng chục lần nhưng nhiều lần trong đó không xin phép tổ chức, cấp ủy Đảng hoặc báo cáo không trung thực. Trên cơ sở đơn thư tố cáo, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã vào cuộc xác minh. Theo Bộ Tài chính, sau đó, Bộ Công an và Cơ quan an ninh điều tra đã trả lời chưa đủ cơ sở kết luận ông Đinh Ngọc Thắng có liên quan đến sai phạm.
Ngày 28/4/2017, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM lấy phiếu thăm dò tín nhiệm giới thiệu bổ nhiệm chức vụ cục trưởng với cả ba trường hợp được quy hoạch. Kết quả bỏ phiếu lần này, cả ba cục phó Ðinh Ngọc Thắng, Phan Minh Lê, Phạm Quốc Hùng vẫn chỉ đạt dưới 50% số phiếu.
Căn cứ nhận xét, đánh giá cán bộ và kết quả lấy phiếu thăm dò tín nhiệm, Ban lãnh đạo và Thường vụ Ðảng ủy TCHQ thống nhất và báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương, tiến hành các thủ tục bổ nhiệm ông Ðinh Ngọc Thắng giữ chức Cục trưởng.
Tại hội nghị cán bộ chủ chốt, ông Ðinh Ngọc Thắng được 38/53 phiếu (71,7%) đồng ý bổ nhiệm. Thế nhưng, tại hội nghị liên tịch giữa tập thể lãnh đạo và cấp ủy Cục Hải quan TPHCM, ông Thắng được 12/24 phiếu (50%) đồng ý. Do không đạt được tỷ lệ tín nhiệm hơn 50% theo quy định, Bộ Tài chính đã tạm dừng triển khai quy trình bổ nhiệm đối với ông Ðinh Ngọc Thắng. Đến nay, việc bổ nhiệm chức vụ cục trưởng vẫn giậm chân tại chỗ.
Kể từ đó, các đơn thư nặc danh tố cáo sai phạm trong hoạt động hải quan cũng như vi phạm đi nước ngoài đối với công chức của ông Đinh Ngọc Thắng và Đỗ Thanh Quang tiếp tục được gửi đi các cấp, bộ ngành và Chính phủ.
Mới nhất, Tổng cục Hải quan có Công văn số 826/TCCB do ông Nguyễn Duy Thông, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ TCHQ ký ngày 19/7/2017 chỉ đạo kiểm tra, xử lý về việc công chức vi phạm đi nước ngoài, giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/12/2016. Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TPHCM phải rà soát, thống kê các tài liệu liên quan báo cáo gửi về tổng cục (qua Vụ tổ chức cán bộ) trước ngày 30/8/2017 để xem xét, chỉ đạo cụ thể.
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh. |
Vì sao chưa thể bổ nhiệm Cục trưởng?
Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ bằng nhiều cách với lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhưng đều không nhận được phản hồi. Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Việt Cường, đang phụ trách cục này nhắn tin: “Việc đó em phải liên hệ với Tổng Cục trưởng”. Trong khi đó, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (TCHQ) cho hay: Thẩm quyền giải quyết vấn đề này thuộc Bộ Tài chính.
Chia sẻ với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng phụ trách ngành hải quan nhiều năm thừa nhận rằng: Việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM không thành, kéo dài nhiều năm vì nội bộ quá phức tạp, có dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích giữa các cá nhân.
Hơn nữa, vị thế của cục này vô cùng quan trọng, chiếm tới 36% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, hơn 50% lượng container chuyên chở hàng hóa tập trung ở đây. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa chính là ứng cử viên chưa nhận được sự ủng hộ của Thành ủy TPHCM.
Còn nhớ, cách đây không lâu, ngày 20/5/2016, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ để tìm cơ chế đột phá cho TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM mới nhận nhiệm vụ lúc đó đã đề cập đến việc cần sớm bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM. “Anh Cường cứ phải ra ra vào vào kiêm nhiệm mãi. Không hiểu vướng mắc ở đâu. Cần phải thống nhất bổ nhiệm cục trưởng để hỗ trợ cho thành phố phát triển”- vị Bí thư bày tỏ.
Thực tế, dù là đầu tàu kinh tế của toàn ngành nhưng nhiều năm qua, Cục Hải quan TPHCM cũng dẫn đầu về các vụ sai phạm, tiêu cực. Đầu tháng 8/2017, Bộ Công an đã khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại cảng Cát Lái để điều tra, làm rõ vụ mất tích 213 container hàng quá cảnh.
Vụ việc này, Tổng cục Hải quan cũng đã có báo cáo ban đầu gửi Thủ tướng. Đồng thời, 21 công chức hải quan liên quan đang phải viết tường trình để phục vụ điều tra. Trước đó khoảng 10 ngày, ông Nguyễn Hoàng Sơn, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV bị bắt tạm giam để điều tra liên quan vụ nhập lậu sữa Ensure vào Việt Nam cuối năm 2014.
Theo kết luận số 2517/KL-TCHQ về việc kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Hải quan TPHCM, tại điểm 2 mục I, lần lượt 5 cá nhân nguyên là cán bộ, công chức của Cục Hải quan TPHCM liên đới trong 3 vụ án hình sự xảy ra giai đoạn 2014 - 2016.
Chia sẻ với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng phụ trách ngành Hải quan nhiều năm thừa nhận: Việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM không thành, kéo dài nhiều năm vì nội bộ quá phức tạp, mâu thuẫn lợi ích giữa các cá nhân. Hơn nữa, vị thế của cục này vô cùng quan trọng…Ngoài ra, một nguyên nhân nữa chính là chưa nhận được sự ủng hộ của Thành ủy TPHCM |
Thứ trưởng Bộ Tài chính: Bộ tài chính đang xúc tiến nhanh việc bổ nhiệm Liên quan đến việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trực tiếp phụ trách ngành Hải quan cho biết: Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã có trả lời bằng văn bản gửi một số báo về việc tạm dừng bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM. “Hiện tại, Bộ Tài chính đang giao Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường tiếp tục phụ trách Cục Hải quan TPHCM. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, đôn đốc xúc tiến nhanh việc bổ nhiệm, sớm ổn định tổ chức tại đơn vị này. Khi nào có thông tin chính thức chúng tôi sẽ gửi tới quý báo". |
Chủ tịch Đà Nẵng nói gì khi biết công an bắt được người đe dọa mình? Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng về việc Cục Cảnh sát Hình sự bắt người nhắn tin đe dọa ông. |