Thông tin trên được ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho biết tại Hội nghị "Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2024 – Đón cơ hội trong vận hội mới" diễn ra chiều 22/2.
Theo ông Phạm Văn Luận, năm nay, giá bán sơ cấp sẽ tăng trong khi giá bán thứ cấp đi ngang và dự báo cũng sẽ tăng nhẹ. Phân khúc căn hộ chung cư cao cấp sẽ trở thành xu hướng an cư và đầu tư mới, được thị trường đón nhận tích cực. Riêng phân khúc đất nền sẽ tăng giá mạnh bởi quy định không được phân lô bán nền ở các đô thị loại đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho biết, với 3 luật liên quan bất động sản vừa được thông qua gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đồng loạt có hiệu lực từ ngày 1/1/2025; trong đó, đáng chú ý là việc các đô thị loại đặc biệt I, II, III không còn được phân lô bán nền, điều này sẽ khiến cho các dự án đất nền đang triển khai trong năm 2024 sẽ chiếm lợi thế. Đất nền sẽ tiếp tục khan hiếm kể từ ngày 1/1/2025, nhường chỗ cho nhà xây sẵn, căn bộ chung cư.
Tại thành phố Cần Thơ, đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cung chủ lực ở khu vực trung tâm sẽ là phân khúc căn hộ, gồm căn hộ nhà ở xã hội và căn hộ cao cấp; còn ở các huyện thị là đất nền.
Đối với nhu cầu của khách hàng, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ đánh giá, niềm tin của khách hàng địa phương đối với thị trường bất động sản đang tăng lên nhờ các chính sách điều hành quyết liệt của Chính phủ, đẩy mạnh đầu tư công và hoàn thành các dự án giao thông huyết mạch, nhiều siêu dự án thương mại, giải trí được triển khai…Từ đó thu hút thêm lượng khách hàng, nhà đầu tư từ các vùng khác đến mua ở và đầu tư.
Bên cạnh đó, những sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, được triển khai bởi chủ đầu tư uy tín, đáp ứng nhu cầu thực, có mức giá và chính sách tốt sẽ thu hút đông đảo khách hàng xuống tiền sở hữu. Khách hàng cũng chuyển hướng quan tâm sang phân khúc căn hộ chung cư cao cấp ở các khu vực trung tâm các đô thị lớn như Cần Thơ để tiện lợi sinh hoạt, đáp ứng tốt các nhu cầu cuộc sống.
Ngoài ra, thị trường bất động sản năm 2024 ở Tây Nam Bộ cũng được dự báo sẽ thu hút lượng kiều hối đổ vào; cũng như dòng tiền được bổ sung từ đáo hạn ngân hàng khi lãi suất giảm.
Theo ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, sóng gió của thị trường bất động sản Việt Nam đang dần khép lại từ cuối năm 2023. Thị trường bắt đầu xuất hiện những điểm sáng, tạo bước đệm để ngành bất động sản khởi sắc trong những năm sắp tới.
Cụ thể, theo ông Thủy, dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản được khơi thông sau khoảng thời gian bị "siết chặt", 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã tác động rõ nét đến thị trường bất động sản. Cùng với đó, việc sửa đổi 3 luật lớn trong năm 2023 bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường địa ốc.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho rằng, khu vực Tây Nam Bộ là một trong những địa phương được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực của thị trường; đặc biệt khi đây là một trong những vùng có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong giai đoạn 2023-2025. Những điều này sẽ giúp thị trường bất động sản miền Tây có nhiều cơ hội để "cất cánh" trong thời gian tới.
Với việc các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị công bố quy hoạch, đây là khung pháp lý cho việc quản lý, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời, tạo cú hích cho thị trường bất động sản của vùng có nhiều tiềm năng phát triển. Đồng thời, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được hoàn thiện, nhiều dự án khu công nghiệp lớn được triển khai cũng mở ra không gian phát triển cho thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long ở đa dạng các phân khúc.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), đặc biệt là các điểm mới, đáng chú ý và tác động cũng như các điểm còn vướng mắc, cần được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết hơn cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý hiểu rõ, thực hiện đúng, hạn chế vi phạm, tiêu cực, tăng hiệu lực thực thi trong thực tiễn.
Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, Tiến sĩ Lực đưa ra lời khuyên cần đa dạng hóa, tái cơ cấu, góp ý chính sách, chuẩn bị nguồn lực thực thi pháp luật mới; quan tâm quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, xanh hóa, số hóa; hướng đến minh bạch, chuyên nghiệp hơn.