Rob, Jim và Alice Walton (từ trái qua) xuất hiện tại buổi họp mặt thường niên của Walmart năm 2015. (Ảnh: REUTERS).
Đến nay, tài sản nhà Walton đã tăng thêm 39 tỉ USD, đạt 191 tỉ USD tính từ thời điểm chiếm ngôi đầu bảng của Bloomberg.
Với tốc độ "giàu" như thế này, tổng tài sản của Waltons dự đoán sẽ tăng thêm 23.000 USD khi bạn đang đọc những dòng này.
Những người thừa kế của Sam Walton, nhà sáng lập Walmart, không phải những người duy nhất giàu lên nhanh một cách chóng mặt như thế.
Các đế chế khác của Mỹ cũng thu hoạch bộn trong năm qua. Tài sản của gia đình Mars, thế lực đứng sau nhãn hiệu kẹo M&M nổi tiếng, tăng 37 tỉ USD, đạt 127 tỉ USD.
Trong khi đó, gia đình Koch của tập đoàn đầu tư tư nhân Koch nổi tiếng kiếm thêm 20 tỉ USD được và hiện sở hữu khối tài sản là 125 tỉ USD.
Tại Mỹ, 0,1% những người giàu nhất hiện đang kiểm soát nhiều tài sản nhất so với bất kì thời điểm nào từ năm 1929 tới nay. Không riêng gì họ, các gia đình giàu có ở châu Á và châu Âu cũng được cho là đang kiếm ngày càng nhiều tiền.
Theo Bloomberg, 25 gia đình giàu nhất thế giới đang nắm giữ 1.400 tỉ USD tài sản, tăng 24% so với năm 2018. So với năm ngoái, những gia đình này đã thu thêm 2.050 tỉ USD vào tài sản của mình.
Đối với một số nhà phê bình, những con số này là minh chứng của sự bất bình đẳng giàu - nghèo đã đi quá xa.
Một số người thừa kế của các tỉ phú đã bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề ngày càng căng thẳng này. Nữ diễn viên Liesel Pritzker Simmons, người có gia đình xếp hạng 17 trong danh sách của Bloomberg, tỏ ra ủng hộ việc đánh thuế tài sản.
"Nếu chúng ta không làm điều gì đó như vậy (thu thuế tài sản), thì chúng ta đang làm gì, chỉ vơ vét tài sản từ một quốc gia đang ngày càng chia rẽ? Đó không phải là nước Mỹ mà chúng ta muốn sống", bà Simmons cho biết.