Giả mạo ‘Trạng Trình áp vong cứu dân’

Bà Hiền hỏi: “Có muốn gặp cụ không?” rồi rùng mình một cái. Tức thì những người xung quanh chắp tay, rạp người xuống để lạy Trạng Trình.

Tháng 3-2014 rộ lên tin bà Bùi Thị Hiền ở thôn Hạ Đồng, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng tìm được mộ cụ trạng (Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm) ngay trên vườn nhà. Từ đó đến nay, nhiều người đã đến coi bà như hiện thân của cụ Trạng Trình.

Trạng Trình hiển linh để… hát

PV đến nhà bà Hiền theo lời giới thiệu của người quen. Bà thao thao kể về thành tích tìm được mộ cụ Trạng Trình. Rồi bà hỏi: “Có muốn gặp cụ không?”. Mọi người đồng ý. Bà lập tức nhắm mắt, rùng mình một cái. Tức thì những người xung quanh chắp tay, rạp người xuống để lạy “Trạng Trình” về.

Bà Hiền làm động tác vuốt râu, vuốt tóc, múa may rồi cất giọng hát. PV ngồi chịu trận gần hai giờ để nghe “cụ” hát linh tinh qua miệng bà Hiền. “Cụ” hát về nỗi khổ của “cô” Hiền, chửi lũ người không tin theo “cô” mà làm điều xằng bậy. Khi hỏi cụ tên gì, “cụ” hát đi hát lại mất… 30 phút chỉ một nội dung “tên ta ba chữ”. Sau đó “cụ” tiếp tục ỉ ôi hát nhiều nội dung khác và cuối cùng không quên dặn dò mọi người phải tin theo “cô” Hiền.

Nhiều người đặt cả điện thoại ghi âm trước mặt bà Hiền để thu lại “lời vàng ý ngọc” của “cụ”. Thỉnh thoảng thấy người viết lơ đễnh, có người lại nhắc chắp tay, cúi xuống tỏ vẻ thành kính. PV nhìn thẳng vào mặt bà Hiền và suýt bật cười vì trong khi miệng đang nỉ non hát, thỉnh thoảng mắt bà hi hí nhìn xung quanh xem có ai quên nhắm mắt, chắp tay cúi lạy không. Khi phát hiện tôi ngồi nhìn, bà nhắc nhở: “Có người không tôn trọng cụ Trạng!”.

Theo bách khoa toàn thư Wikipedia, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến vì tư cách đạo đức, tài thơ văn có tiếng vào thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh). Ông đậu trạng nguyên năm 1535 và làm quan dưới triều nhà Mạc. Tương truyền ông có biệt tài tiên tri và phổ biến nhiều câu thơ mà đời sau gọi là “sấm Trạng Trình”.

Ngôi mộ trong vườn nhà bà Hiền được bà trang trí, ai cũng lạy vì coi đó là mộ Trạng Trình. Bà Bùi Thị Hiền đang áp vong “cụ” Trạng Trình (ảnh nhỏ). Ảnh: Đ.TUYỀN

Sau khi “tỉnh” lại, bà Hiền cho biết đầu năm 2014, bà được vong của một người tên là Bình nhập vào báo có một ngôi mộ ở ngay cạnh nhà. Đầu tháng 3 âm lịch, sau khi quần nát sân nhà, một số người đã đào được chiếc quan tài bằng gỗ màu bã trầu, nhiều phần đã bị mục nát, trên có khắc chữ Nho; tiểu màu đỏ và cũng khắc chữ Nho.

Ông Bùi Văn Hãnh, người tham gia đào mộ, cho biết: “Khi mở quan tài ra thì bộ xương đang nguyên vẹn bỗng vụn ra. Chúng tôi mua tiểu sành đem chôn cất, xây thành mộ khang trang ở đồng làng An Quý (xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo). Còn chiếc quan tài màu đỏ để ở sân cho mọi người xem”.

Bí mật những ngôi “mộ cổ”

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Rường, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, đồng thời cũng là cha chồng bà Hiền, về ngôi mộ được cho là mộ Trạng Trình. Ông Rường cho biết thực chất mảnh đất gia đình con dâu ông đang ở trước kia là nghĩa trang.

“Sau khi về hưu năm 1980, tôi đã xin ý kiến UBND xã cho phép cải tạo nghĩa trang gần nhà để mở rộng diện tích đất ở. Khi cải tạo, đã đào được 38 ngôi mộ và đem đi chôn cất ở nghĩa trang của xã. Những ngôi mộ hiện nay là những ngôi mộ còn sót lại chưa đào hết” - ông Rường nói.

Theo ông Rường, mảnh đất Hạ Đồng xưa có nhiều người Hoa đến làm ăn sinh sống. Khi chết, họ chôn cất luôn tại đây, vì thế các quan tài hầu hết đều có chữ Nho.

Không công nhận mộ Trạng Trình

Lãnh đạo xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cũng khẳng định mảnh đất nhà bà Hiền trước đây là nghĩa trang, nhiều người gốc Hoa được chôn cất ở đó. Xã đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền việc làm của bà Hiền là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, bà Hiền vẫn cho rằng mình là “hiện thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Quyn, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính và xóa tụ điểm mê tín dị đoan ở nhà bà Hiền. Trước kia bà Hiền chủ yếu làm nghề áp vong tìm mộ. Năm 2014, bà cho rằng tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi mấy nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cùng một số người nữa mang quan tài đó đi nghiên cứu, rồi thông tin tìm được mộ Trạng Trình lan truyền, gây ảnh hưởng tới địa phương. Việc bà Hiền lợi dụng việc này để hoạt động mê tín dị đoan sẽ được xử lý”.

Gần đây nhất, chiều 22-2-2017, bà Hiền xin địa phương cho đào một ngôi mộ được cho là mộ cổ trong vườn nhà. Ngôi mộ cũng có kích thước tương tự ngôi mộ bà Hiền tìm thấy năm 2014 và cho là mộ của Trạng Trình. Cuộc khai quật có sự chứng kiến của PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, cùng chính quyền địa phương. Trước đó bà Hiền tung tin đây là mộ của nhân vật lịch sử cỡ Nguyễn Đức Cảnh hoặc Mạc Đăng Dung. Sau khi ông Nguyễn Lân Cường khẳng định đây là mộ của một đứa trẻ, bà Hiền đã rất tức giận, đuổi hết các PV có mặt tại hiện trường.

_______________________________

Không có căn cứ để nói ngôi mộ bà Hiền tìm được ở xã Cộng Hiền là mộ Trạng Trình. Hơn nữa, theo bàn giao của bà Hiền với Bảo tàng TP Hải Phòng, lòng trong của mộ rộng có 15 cm thì làm sao có thể đưa thi thể một người lớn vào được?

Ông PHẠM NGỌC ĐIỆP

Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Bảo

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.