Giá nhân công chỉ bằng 1/8 Hàn Quốc, LG 'học' Samsung chuyển nhà máy smartphone đến Việt Nam

LG Electronics cho biết sẽ chuyển nhà máy sản xuất smartphone cao cấp từ Hàn Quốc về Việt Nam, với lí do giá nhân công tại Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Công suất sản xuất hàng năm của nhà máy Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khi đặt tại Hàn Quốc.

LG chuyển nhà máy sang Hải Phòng vì giá nhân công Việt Nam chỉ bằng 1/8 Hàn Quốc

Hãng sản xuất thiết bị điện tử LG Electronics mới đây cho biết đã có kế hoạch chuyển dây chuyền và nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cao cấp từ một nhà máy ở Pyeongtaek, thuộc Seoul (Hàn Quốc) đến một địa phương tại Việt Nam. LG tiết lộ địa điểm mới đặt nhà máy tại Việt Nam là Hải Phòng.

Theo Nikkei, việc chuyển địa điểm nhà máy của ông lớn một thời trong ngành smartphone là để cải thiện tình trạng thua lỗ liên tục trong những năm qua.

Giá nhân công chỉ bằng 1/8 Hàn Quốc, LG học Samsung chuyển nhà máy smartphone đến Việt Nam - Ảnh 1.

Giá nhân công chỉ bằng 1/8 Hàn Quốc, LG quyết định chuyển nhà máy smartphone về Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).

Thực tế, thị trường smartphone trong năm 2018 đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi bước qua khỏi giai đoạn tăng trưởng chóng mặt trước đó. Báo cáo của công ty nghiên cứu International Data Corp (Mỹ) cho biết doanh số bán smartphones đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2018.

Năm 2018, LG đã bán khoảng 40 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu, chiếm gần 3% thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mà LG công bố luôn không mấy khả quan, khi các quý đều lỗ trong khoảng 4 năm trở lại đây.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cử sự dịch chuyển này chính là chi phí nhân công rẻ tại Việt Nam, điều này có thể giúp giảm chi phí sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty.

LG chuyển nhà máy từ Hàn Quốc sang Việt Nam là học Samsung 

Báo cáo phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết việc LG chuyển sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam dự kiến cải thiện rất nhiều lợi nhuận của hãng, vì mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/8 so với Hàn Quốc.

Đặc biệt, hiện nhà máy Pyeongtaek tại Hàn chỉ có công suất hàng năm là 5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, dự kiến nhà máy mới ở Hải Phòng sẽ có năng lực sản xuất lên 11 triệu sản phẩm, tức tăng gần gấp đôi so với hiện tại.

"Chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, LG muốn cắt giảm chi phí lao động vốn là tâm điểm chú ý trong 3-4 năm qua, để có thể sinh lãi", một chuyên gia của Hana Financial Investment khẳng định.

Đồng thời, vị này cũng cho biết thêm cách đi của LG tương tự Samsung Electronics trước đây, hiện Samsung cũng giữ được một thị phần lớn về điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Dự kiến, sau chuyển đổi, LG sẽ đưa khoảng 750 nhân viên sản xuất smartphone đến làm việc tại một nhà máy sản xuất gia dụng khác của hãng.

Động thái muốn dịch chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Việt Nam của LG tương tự những ông lớn trong ngành điện tử của đất nước này như Samsung, CJ đã làm thời gian qua. 

Ngoài ra, các công ty Hàn Quốc chú ý nhiều đến Việt Nam để mở rộng đầu tư. Năm 2018, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Mỹ. 

Các công ty Hàn Quốc có xu hướng gửi hàng hóa sang Việt Nam để hoàn thiện, gia công.

Sau quyết định dịch chuyển nhà máy từ Hàn Quốc về Việt Nam của lãnh đạo LG được công bố trên các phương tiện truyền thông, thị giá cổ phiếu của LG đã nhích lên thêm gần 5%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang kì vọng doanh thu và lợi nhuận của hãng sẽ được cải thiện sau quyết định này.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.