LG G8 ThinQ: Con át chủ bài của LG. (Ảnh: What Hi-Fi).
Trước một Samsung với thương hiệu mạnh, công nghệ màn hình Infinity O tối đa hiển thị, một Google Pixel với phần mềm tối ưu hay trước các hãng sản xuất Trung Quốc với cấu hình mạnh giá rẻ, đâu sẽ là hướng đi đúng cho dòng smartphone của LG?
Sau màn ra mắt chiếc LG G7 ThinQ và LG V40 quá an toàn và khá nhạt nhòa vào năm ngoái, người ta dường như thấy một LG đã đánh mất đi sức sáng tạo vốn có. Nhưng đến chiếc LG G8 ThinQ năm nay, với việc trang bị các tính năng mới, nhiều người lại cho rằng nó quá thừa thãi và không hữu dụng.
Đầu tiên phải kể đến đó là tính năng mở khóa bằng đường chỉ tay. Ngoài những công nghệ bảo mật như mở khóa bằng dấu vân tay, mở khóa bằng khuôn mặt 3D thì LG G8 còn được LG phát triển một công nghệ mới là mở bằng đường chỉ tay.
Người dùng chỉ việc đưa lòng bàn tay ra trước ống kính camera trước để máy quét. Theo những video của các reviewer trên YouTube, tốc độ mở khóa bằng cách này khá nhanh.
Mở khóa bằng đường chỉ tay. (Ảnh: BGR).
Cũng giống như vân tay, chỉ tay mỗi cá nhân là khác nhau vì thế độ an toàn là không cần bàn tới. Tuy nhiên, mở khóa bằng cách đưa lòng bàn tay ra trước màn hình liệu có phải là tính năng hay?
Vẫy tay để mở điện thoại, nhìn có vẻ ngầu đấy thế nhưng, nó sẽ rất bất tiện khi bạn đang chạy xe ngoài đường hoặc đang chỉ sử dụng điện thoại được bằng một tay. Tính năng mới này trên G8 ThinQ đã gặp phải những ý kiến trái chiều từ phía người dùng, tương tự như Face ID của Apple ngày đầu ra mắt.
Bị chỉ trích là không thực tế, nhưng Apple vẫn bán được máy, bán rất chạy là khác, nó đã tạo ra xu hướng Face ID trên các mẫu điện thoại trong hai năm qua. Thế nhưng đó là Apple, mọi thứ đều có thể. Còn với LG? Tất cả phải chờ câu trả lời từ thời gian và từ chính phía người dùng!
Tiếp đến, phải nói tới tính năng đặc biệt của LG G8: thao tác trên điện thoại mà không cần chạm vào màn hình. Cuộc cách mạng lớn nhất mà iPhone tạo ra đó là đem màn hình cảm ứng lên điện thoại và khiến nó hoạt động mượt mà.
Thế nhưng, với G8, thậm chí điều chỉnh âm lượng bạn cũng không cần đến phím bấm. Tất cả chỉ cần đưa tay ra phía trước màn hình và vẫy! Nghe có vẻ siêu thực hoặc giống một cảnh trong bộ phim viễn tưởng, thế nhưng tính năng này lại hoàn toàn có thật trên chiếc flagship của LG với sự trợ giúp của cảm biến 3D ToF.
Sử dụng không cần chạm màn hình. (Ảnh: Cnet).
Hiện tại, người dùng có thể sử dụng nó để chỉnh âm lượng, phát nhạc, chuyển bài hát, chuyển ứng dụng. LG cho biết, tương lai sẽ bổ sung nhiều hành động hơn nữa cho tính năng này.
Một câu hỏi lại được đặt ra là liệu tính năng này có thực sự cần thiết, trong thời điểm hiện tại? Ít nhất là các thao tác sẽ thêm phần rườm rà, kém tự nhiên và bất tiện hơn. Nhiều người cho rằng, tính năng này để nghịch ngợm, vui vẻ thì được, còn nếu phát triển thành một cách dùng smartphone thì không ổn chút nào.
LG G8 ThinQ được LG trình làng tại sự kiện MWC 2019 thế nhưng phải đến cuối tháng 3 mẫu flagship này mới được bán ra thị trường. Đây là một trong hai mẫu máy cao cấp nhất của LG phát hành mỗi năm, gồm dòng G và dòng V.
LG G8 ThinQ hiện đang được chạy phiên bản Android Pie mới nhất với bộ vi xử lí Qualcomm Snapdragon 855 đi cùng dung lượng lưu trữ lên tới 2TB.
LG tiếp tục chú trọng vào camera khi trang bị cho LG G8 ThinQ cụm hai camera bao gồm một camera góc rộng 16MP và một ống kính tiêu chuẩn 12MP,khẩu độ f1.5. Phía trước, LG G8 ThinQ có một camera Z (cảm biến ToF) và một camera 8MP.
Máy có màn hình 6,1 inch với phần diện tích hiển thị lên tới 83,5% thấp hơn so với 88,3% của Samsung S10 với cùng kích thước. Sản phẩm này bắt đầu được bán ra tại thì trường Hoa Kì vào ngày 29/3 với giá khoảng 820 đôla, tức khoảng 19 triệu đồng. LG cho biết máy sẽ sớm có mặt tại các thị trường khác.
Trên tay LG G8 ThinQ. (Video: SlashGear)