Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ: C.P hứa bán heo hơi thấp hơn thị trường khoảng 20.000 đồng/kg

Đại diện Sở Công Thương Cần Thơ vừa cho biết cơ quan này sẽ kết hợp với C.P hạ nhiệt giá heo xuống khoảng 20.000 đồng/kg, hướng tới mức giá yêu cầu của Chính phủ khoảng 60.000 đồng/kg.

Giá heo hơi và thịt heo tại Cần Thơ sẽ giảm khoảng 20.000 đồng/kg

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết: "Giá heo ở Cần Thơ đang có xu hướng giảm. Trước đây giá heo hơi lên đến 100.000 đồng/kg thì giờ đang giảm xuống 85.000 đồng/kg nhưng so với giá yêu cầu của Chính phủ là 60.000 đồng/kg thì mức giá này vẫn còn cao.

Do đó, Sở Công thương Cần Thơ đang phối hợp với C.P và một số lò giết mổ thành lập khoảng 20 cửa hàng bán bình ổn thịt heo. Thời gian sắp tới, C.P hứa bán thấp hơn thị trường khoảng 20.000 đồng/kg để tạo điều kiện cho giá thịt heo giảm thêm".

Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ: C.P hứa bán heo hơi thấp hơn thị trường khoảng 20.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ. Ảnh: Như Huỳnh.

Cũng theo ông Toại, lượng heo của C.P là một trong những đơn vị chiếm tỉ trọng lớn nhất của Việt Nam, C.P cam kết đủ lượng heo đáp ứng cho thị trường miền Tây Nam Bộ và họ phối hợp lò giết mổ rồi đưa đến các sạp bán heo mảnh trước khi bán ra cho người tiêu dùng.

"1 kg thịt heo C.P nuôi với giá vốn 45.000 - 50.000 đồng/kg thì họ bán với giá 60.000 đồng/kg đã có lời nhưng nếu bán với giá này thương lái sẽ gom hết, do đó họ muốn tự làm, tự giết mổ và phân chia thành từng mảnh rồi đưa ra chợ. 

Với giá heo hơi C.P cam kết bán 75.000 đồng/kg vẫn rẻ hơn giá 80.000 - 100.000 đồng/kg hiện nay. Còn với heo mảnh, giá tới sạp là 107.000 đồng/kg để người bán phá lóc bán, ước tính giá giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, sẽ đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ", Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ phân tích.

Lí giải thêm về việc hợp tác với C.P, ông Toại cho hay hiện nay các khâu trung gian đang làm tăng giá heo hơi, đơn cử như lần trước khi C.P bán 75.000 đồng/kg, qua các khâu thương lái giá tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg và đến khi ra ngoài thì lên đến 90.000 - 100.000 đồng/kg. 

Do đó, việc các lò mổ hợp tác với C.P lần này sẽ làm giảm khâu trung gian, kéo giảm giá heo xuống.

Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ: C.P hứa bán heo hơi thấp hơn thị trường khoảng 20.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá heo hơi đang ở ngưỡng 90.000 đồng/kg nên giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Ảnh: Như Huỳnh.

"Theo kế hoạch đến 15/7, Sở Công thương Cần Thơ sẽ cùng các doanh nghiệp hoàn tất việc khảo sát, thuê và xây dựng cửa hàng, sau đó, trong nửa cuối tháng 7 sẽ đưa vào hoạt động các cửa hàng bình ổn với mức giá tốt hơn thị trường 20.000 - 30.000 đồng/kg", ông Toại cho hay.

Ghi nhận tình hình giá heo hơi hôm nay (13/7) cho thấy giá heo trên cả nước đã có phần hạ nhiệt nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao, quanh ngưỡng 90.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại miền Bắc dao động trong khoảng 88.000 - 92.000 đồng/kg. Phần lớn các địa phương vẫn duy trì giá ổn định quanh mốc 90.000 đồng/kg. Riêng tại Nam Định chạm mốc 92.000 đồng/kg, đây cũng là địa phương có giá thu mua cao nhất trong vùng.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, heo hơi được thương lái thu mua trong khoảng 81.000 - 93.000 đồng/kg. Hiện Bình Thuận là tỉnh báo giá heo cao nhất vùng nói riêng và cả nước nói chung, ở ngưỡng 93.000 đồng/kg.

Còn giá heo hơi hôm nay tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 84.000 - 92.000 đồng/kg. Địa phương giữ giá cao nhất vùng là thủ phủ heo Đồng Nai, tiếp đến là Trà Vinh, Tây Ninh ở mức 89.000 - 90.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp vẫn xem heo sống nhập khẩu là giải pháp tình thế

Theo Bộ NN&PTNT, ngày 17/6, đã 500 con heo hơi đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Lô hàng với 500 con heo này sẽ được đưa về huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để cách li, sau đó giết mổ và cung cấp cho thị trường. 

Việc cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan từ ngày 12/6 là nhằm mục đích góp phần tăng nguồn cung thịt heo ra thị trường. 

Ngoài heo hơi thương phẩm, tính từ đầu tháng 5/2020 đến nay, đã có 3 đợt nhập khẩu heo giống từ Thái Lan về Việt Nam, số lượng khoảng 2.000 con heo giống, heo bố mẹ nhằm góp phần tăng đàn heo trong thời gian tới.

Đại diện Sở Công thương Cần Thơ cho rằng: "Việc nhập khẩu heo Thái sẽ có tác động đến các doanh nghiệp lớn, làm cho họ phải có thái độ đối xử với khách hàng tốt hơn, còn nếu không nhập, để lượng chênh lệch cung cầu cao thì họ sẽ có quyền lũng đoạn thị trường".

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trong điều kiện thiếu hụt lượng thịt heo trong nước như hiện nay, việc nhập khẩu heo hơi sẽ tạo thêm nguồn cung, góp phần giảm áp lực thịt heo giá cao trên thị trường. 

Song heo hơi nhập khẩu mang nhiều rủi ro lớn về lây lan dịch bệnh nếu không được giám sát nghiêm ngặt trong thời gian cách li 30 ngày, đặc biệt đối với dịch tả heo châu Phi hiện chưa được kiểm soát hoàn toàn ở khu vực. Đây cũng là lí do mà Vissan chưa có kế hoạch nhập heo sống từ nước ngoài. 

"Hiện nay Vissan chưa đủ điều kiện để kiểm soát nguồn heo từ các nước. Và theo tính toán của Vissan, nguồn heo nhập chỉ là giải pháp tình thế, trong thời gian ngắn, tình hình chăn nuôi heo trong nước sẽ cải thiện, nguồn cung sẽ được cân đối hơn thay vì nhập khẩu heo sống từ nước ngoài", ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan chia sẻ khi được hỏi về kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật để nhập khẩu heo sống.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng lo ngại, các thủ tục về kiểm dịch heo thịt thương phẩm nhập khẩu rất lỏng lẻo so với kiểm dịch heo giống nhập khẩu. 

"Heo giống nhập khẩu phải cách li 45 ngày, các yêu cầu về nhà sản xuất cung cấp giống nhập khẩu rất khắt khe, trong khi heo thịt thương phẩm nhập khẩu chỉ cách li 4 ngày đối với heo giết mổ và cách li 14 ngày đối với heo choai (dưới 50 kg/con) có thời gian nuôi dài ngày và lưu thông rộng rãi khắp cả nước", một doanh nghiệp tại Đồng Nai chia sẻ.

Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ: C.P hứa bán heo hơi thấp hơn thị trường khoảng 20.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Số lượng heo sống dự kiến nhập khẩu từ Thái Lan là hơn 1,9 triệu con để cân đối nhu cầu trong nước. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y  vùng 3 (Cục Thú y), hiện tại có khoảng 15 doanh nghiệp đăng kí nhập khẩu heo hơi thương phẩm từ Thái Lan, trong đó 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến hơn 1,9 triệu con.

Heo hơi nhập từ Thái Lan về Việt Nam, các cơ quan thú y sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Cục Thú y chỉ quản lí kĩ thuật về an toàn dịch bệnh, điều kiện vệ sinh thú y, còn về giá heo hơi nhập khẩu do các doanh nghiệp kinh doanh định giá.

Tuy nhiên, việc này cũng khiến nhiều ý kiến cho rằng đây là điều thiếu công bằng đối với người chăn nuôi trong nước khi không áp giá bán chỉ đạo đối với heo thương phẩm nhập khẩu nhưng lại "qui định" giá bán đối với doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước.

"Người dân và doanh nghiệp chăn nuôi trong nước mới là nguồn cung thịt heo bền vững góp phần an ninh thực phẩm cho quốc gia, mặc dù họ phải chịu nhiều rủi ro do biến động thị trường, thiệt hại do dịch bệnh. Việc nhập khẩu heo hơi mặc chỉ mang tính tình thế đối với các quan quản lí nhà nước trong giai đoạn hiện nay", ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội) nhận định.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.