Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng giáo viên và phụ huynh đang có những ý kiến trái chiều về việc cấm dạy thêm và học thêm ở TP HCM |
Thành phố cấm, giáo viên thắc mắc, phụ huynh không yên tâm gửi con
Theo ông Sơn thì trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 17 về quản lý dạy thêm, học thêm, trong khi đó UBND TP cũng có quyết định 21 và cả hai văn bản này đều không cấm dạy thêm, học thêm.
Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trước khi quyết định cấm dạy thêm, học thêm UBND TP HCM đã có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT sửa Thông tư 17 tuy nhiên Bộ đã trả lời rằng sẽ không điều chỉnh trên phạm vi cả nước được mà tùy theo quyền hạn, trách nhiệm của UBND TP mà quyết định. Sau đó UBND TP có công văn yêu cầu chấm dứt dạy thêm học thêm trong nhà trường thì Sở đã thực hiện triển khai nghiêm túc.
“Tôi đã chỉ đạo các trường chấm dứt ngay việc dạy thêm học thêm, không được tổ chức bất cứ hoạt động giảng dạy nào ngoài chuyện dạy chính khóa và phụ đạo cho học sinh yếu hay bồi dưỡng cho học sinh khá theo kế hoạch”, ông Sơn nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT nêu trong nhà trường, nhiều năm qua việc phân bổ chương trình học không đáp ứng đủ bài tập và thực hành cho các em, đồng thời khi vào các trường đại học thì Bộ ra đề, mà mức độ phân hóa của đề ngày càng cao vì phải tăng cường các tiết học nên bức. Tuy nhiên ông Sơn cũng cho rằng từ nhiều năm qua các nhà trường quản lý được việc dạy thêm nên khi TP ra quyết định trên thì ý kiến của một số cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh cũng tỏ ra không đồng tình.
Trong khi giáo viên thắc mắc về không được tổ chức dạy kèm mà chỉ được tham gia dạy ở các trung tâm bên ngoài, thì phụ huynh cho biết không yên tâm khi gửi con em bên ngoài nhà trường, và một phần còn vì học phí ở những trung tâm bên ngoài sẽ cao hơn nhiều lần so với khi nhà trưởng tổ chức. Trước những ý kiến trái chiều về vấn đề này, ông Sơn cho biết gần đây Ban Văn hóa xã hội của HĐND đã tổ chức các đoàn đi khảo sát để nắm bắt dư luận và báo cáo lại Thành ủy.
Lãnh đạo 4 quận, huyện phải chịu trách nhiệm về việc chậm tuyển giáo viên
Sau đó tại cuộc họp báo thường kỳ sau đó, vấn đề thuyên chuyển giáo viên có nhiều bất cập, khúc mắc trong QĐ 03/UBND ban hành ngày 04/2/2016 như kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, hiện vẫn còn một số quận, huyện chưa phê chuẩn kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2016.
Năm học mới sắp bắt đầu nhưng còn 4 quận, huyện ở TP HCM chưa phê chuẩn kế hoạch tuyển giáo viên |
Trả lời về việc này ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, việc thuyên chuyển viên chức từ đơn vị này tới đơn vị khác có hai hướng: một là luân chuyển cán bộ để nâng chất lượng, trường hợp thứ hai nếu giáo viên muốn chuyển về nơi đăng kí hộ khẩu thường trú, thì thầy cô đó phải chấm đứt hợp đồng tại nơi đang công tác. Sau đó tiến hành thi tuyển tại đơn vị mới khi trúng tuyển, thầy cô sẽ tiếp tục công tác tại đơn vị mới và được hưởng mức lương mà thầy cô đó đang hưởng, chứ không phải trở về mức lương bậc 1 như phản ánh.
Còn nếu thầy cô đó không trúng tuyển thì coi như năm 2016 sẽ không được tính lương và sẽ phải đợi thi tuyển lại vào năm 2017. Việc này, nhằm giúp các quận- huyện tuyển được những thầy cô phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp và các tiêu chuẩn của từng quận- huyện đề ra.
Hiện đã có 20/24 quận, huyện đã hoàn thành công tác tuyển dụng viên chức mới, chỉ còn quận 3, 11, huyện Hóc Môn và Củ Chi chưa được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức 2016.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM cho rằng 4 quận, huyện quá chậm trễ nên đề nghị Sở GD&ĐT dù phân cấp nhưng cũng phải nắm bắt tình hình nếu có khó khăn phát sinh phải báo cáo UBND TP tháo gỡ.
“Văn phòng UBND TP sẽ nắm thông tin lý do vì sao mà 4 quận, huyện này lại có cách làm việc như vậy? Không có giáo viên thì những ngôi trường mới, thầy cô giao ở đâu để dạy học sinh. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo của 4 quận, huyện này”, ông Hoan nói.
Về việc thuyên chuyển giáo viên ông Hoan yêu cầu Sở GD&ĐT phải xem xét lại vì chắc chắn QĐ 03 của TP không có chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”, mặt khác TP luôn khuyến khích, động viên về tinh thần lẫn vật chất, cũng như tạo mọi thuận lợi nhất cho những thầy cô giáo về công tác tại các vùng xa, vùng sâu. Sau thời gian công tác, thầy cô có nhu cầu chuyển về nơi gia đình đang sinh sống thì TP và ngành GD&ĐT đều phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất.