Giám đốc Sở KHĐT “tiết lộ” xu hướng thu hút vốn FDI của TP HCM

TP HCM bắt đầu cân nhắc kỹ hơn, lựa chọn để tránh những dự án dùng vốn FDI có công nghệ thấp, sử dụng nhiều diện tích đất.
giam doc so khdt tiet lo xu huong thu hut von fdi cua tp hcm
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết xu hướng thu hút vốn đầu tư FDI của TP

Tại cuộc họp báo ngày 2/12, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP HCM cho biết tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố 2016 là 310.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17%, vốn ngân sách chiếm 8%, vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm 11%, còn lại là vốn trong dân.

Từ số liệu trên cho thấy phần đóng góp của vốn FDI rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố. Nếu như năm 2010 vốn FDI trong nền kinh tế chỉ 15% thì sau hơn 5 năm phần vốn FDI nâng lên 17% và có cả phần đóng góp về công nghệ sản xuất.

Theo ông Sử Ngọc Anh thì xu hướng vốn FDI vào TP HCM vài năm gần đây đang có sự chuyển dịch, từ hình thức 100% vốn nước ngoài dần chuyển dịch sang góp vốn kinh doanh, tức là thay vì họ làm từ đầu thì nay nhà đầu tư sẽ tìm đối tác đã đã xong phần mặt bằng để góp vốn vào kinh doanh.

Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang chọn lựa hình thức đầu tư nào họ thấy hợp lý, thuận lợi và hiệu quả để nhà đầu tư không phải thực hiện các khâu như bồi thường giải tỏa mặt bằng, xây nhà xưởng… mà chỉ chọn đối tác trong nước có sẵn dự án hoàn chỉnh mới góp vốn vào.

“TP HCM cũng đang cân nhắc, không thu hút FDI theo chiều rộng nữa, mà có lựa chọn kỹ lưỡng. Nếu dự án nhiều tiền nhưng sử dụng công nghệ thấp, cần nhiều đất, không đảm bảo môi trường thì sẽ hạn chế, đặc biệt là chọn lựa kỹ những dự án vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Vừa qua có dự án lớn vốn FDI nhưng yêu cầu thành phố cung cấp gần 200 héc ta đất, dự án dạng này cũng đặt ra bài toán lớn đối với thành phố trong lúc này bởi một khi để có được miếng đất đó đồng nghĩa với việc giải tỏa mặt bằng rất lớn”, vị Giám đốc Sở KHĐT nói và cho biết thêm các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố đang xây nhà xưởng để đón các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng diện tích nhỏ, cao tầng nhưng áp dụng công nghệ cao.

Cũng theo ông Sử Ngọc Anh, trong năm 2016 thành phố ước cấp phép 713 dự án vốn FDI với tổng vốn 1,3 tỉ đô la Mỹ và có 174 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 465 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 1.900 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký ước đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM cho biết hiện thành phố không chỉ đánh giá bao nhiêu vốn đầu tư mà phải xem xét ở công nghệ sử dụng, diện tích đất. Theo ông Hoan sở dĩ TP HCM đánh giá như vậy vì quan điểm của TP là hướng tới phát triển bền vững và công nghệ sạch.

“Chúng ta không nhận dự án đầu tư theo hướng bất chấp. Do đó lúc đầu chúng ta là số 1, nhưng bây giờ mình giảm khu công nghiệp, cụm công nghiệp xuống. Chúng ta có thể nỗ lực để dẫn đầu nhưng vấn đề là chất lượng hướng đến”, ông nhấn mạnh.

chọn
[Photostory] Vị trí khu đô thị 72.000 tỷ đồng đang tìm chủ tại Biên Hòa
Khu đô thị Hiệp Hòa có vị trí thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quy mô quy hoạch khoảng 293 ha, với tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.