Chuyên gia: Vốn ngoại vào các địa phương năm 2024 chưa chắc cao hơn năm trước

Theo chuyên gia Avision Young, kết quả FDI năm 2024 phụ thuộc vào khả năng thu hút và giữ chân doanh nghiệp nước ngoài của từng địa phương. Việc hút vốn ngoại năm nay sẽ gặp một số thách bởi chính sách GMT bắt đầu có hiệu lực, cũng như môi trường hành chính ở Việt Nam vẫn chậm cải thiện.

Top 10 tỉnh thành dẫn đầu thu hút FDI trong quý I. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

Theo Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) trong năm 2023 đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Còn 3 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4 % so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với người viết, ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2019, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng ổn định cả về vốn đăng ký lẫn giải ngân trên thực tế.

Từ sau dịch đến nay, dòng vốn có hồi phục nhưng chậm do nhiều nguyên nhân. Bước sang hai tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký mới ghi nhận tăng gấp đôi và vốn thực hiện cũng tăng gần 10% so với cùng kỳ 2023.

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng ổn định hơn, tôi cho rằng dòng chảy FDI trong năm 2024 sẽ cải thiện tốt lên nếu Việt Nam giữ vững đà giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hoàn thiện khung chính sách pháp lý.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kết quả thu hút vốn ngoại của các tỉnh năm nay sẽ cao hơn năm trước, bởi còn phụ thuộc vào khả năng thu hút và giữ chân doanh nghiệp nước ngoài của từng địa phương".

Vị chuyên gia cũng đã chỉ ra một số thách thức đối với việc thu hút FDI năm 2024, lấy ví dụ như chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), quy định mới của Luật Đất đai hay các thủ tục hành chính kéo dài...

Một khu công nghiệp ở TP HCM. (Ảnh: Hoàng Huy).

Thuế GMT có thể làm chậm dòng chảy FDI

Tháng 11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GMT). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Theo nghị quyết, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp GMT tại Việt Nam.

Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về GMT được nộp vào ngân sách Trung ương. 

Dưới góc nhìn của ông Vũ Minh Chí, các chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS công nghiệp đều tận dụng đòn bẩy từ các chính sách ưu đãi thuế quan của Việt Nam để kêu gọi, thu hút khách thuê là các doanh nghiệp nước ngoài.

Do vậy, GMT có thể làm chậm lại dòng chảy vốn FDI, giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường BĐS công nghiệp.

Ông Vũ Minh Chí. (Ảnh: Avision Young).

"GMT có thể là rào cản thu hút nhà đầu tư mới trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mà Chính phủ đang hướng đến như sản xuất chip, chất bán dẫn, xe điện. Đây vốn là những ngành nghề sản xuất quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới.

Phản ánh với chính sách GTM, một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ, bù đắp các khoản phải trả của nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Mỹ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ hàng trăm tỷ USD nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong khu vực thì Singapore, Malaysia và Indonesia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa để đảm bảo ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp FDI. Còn Ban Đầu tư của Nội các Thái Lan đã đề xuất cấp tiền mặt cho các khoản đầu tư dài hạn đủ điều kiện...

Nhìn sang Việt Nam, chúng ta đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư gồm các ưu đãi dựa trên 5 nhóm chi tiêu của nhà đầu tư liên quan đến nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo lập tài sản... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về điều kiện quy mô vốn hoặc doanh thu của đối tượng doanh nghiệp".

Nhìn chung, ông Chí cho rằng việc phản ứng chậm với GMT sẽ góp phần giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI trong khu vực. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và tham khảo thật kỹ chính sách của các nước khác để đảm bảo Nghị định giúp duy trì vị thế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Trung bình 20 - 30 tháng để doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam

Một thách thức khác, theo ông Chí, môi trường đầu tư của Việt Nam còn cải thiện chậm, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập hoạt động như thành lập doanh nghiệp, thuê đất... 

"Tại Việt Nam, thông thường, quá trình thiết lập hoạt động nhà xưởng đối với khách thuê là nhà đầu tư nước ngoài kéo dài khoảng 4 - 5 tháng kể từ lúc ký biên bản ghi nhớ (MOU).

Cụ thể, nhà đầu tư mất khoảng 40 ngày để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (IRC), sau đó mất thêm 15 - 21 ngày để có được Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp (ERC). Sau khi hoàn tất giấy phép, nhà đầu tư mới nhận mặt bằng từ chủ xưởng và tiến hành set up.

Quy trình này sẽ lâu và phức tạp hơn nhiều nếu thuê đất trong KCN để xây dựng nhà máy. Thời gian trung bình là 20 - 30 tháng từ lúc nhà đầu tư tìm hiểu, lựa chọn, thuê đất trong KCN cho đến lúc hoàn công xây dựng.

Hiện nay, giữa các tỉnh thành đã có sự cạnh tranh năng lực với nhau nhằm rút ngắn quy trình, đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho nhà đầu tư. Đây là điều cần thiêt bởi những thủ tục nói trên kéo dài sẽ làm tăng thời gian, tăng chi phí và công sức của nhà đầu tư, khiến họ mất đi động lực".

Về phía các nhà phát triển KCN, vị chuyên gia cho biết Luật Đất đai 2024 vừa thông qua đã bỏ khung giá đất. Khi không có khung giá trần, giá đền bù đất chắc chắn sẽ cao hơn và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư KCN. Đây là một mắt xích quan trọng trong bài toán chi phí mà doanh nghiệp phải tính toán cẩn thận trong quá trình đầu tư phát triển dự án.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.