Giám đốc WHO: Việt Nam thành công nhưng cần cảnh giác với Covid-19

Việt Nam đã duy trì 13 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid 19 trong cộng đồng, WHO đánh giá cao những nỗ lực này của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Kidong Park - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho rằng, đến nay, Việt Nam đã duy trì 13 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid 19 trong cộng đồng và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao những nỗ lực này của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công, nhưng cần tiếp tục cảnh giác trước dịch Covid-19.

Giám đốc WHO: Việt Nam thành công nhưng cần cảnh giác với Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Kidong Park - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO)

PV: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của VOV. Trước tiên, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam?

Ông Kidong Park: Đầu tiên, tôi xin chúc mừng Việt Nam cho đến nay đã kiểm soát rất tốt bệnh dịch Covid-19. Việt Nam có số lượng ca nhiễm rất thấp, và trong đó hơn 80% đều đã hồi phục, không có trường hợp tử vong nào. Theo tôi, có 3 điều làm nên thành công này của Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam đã có những chuẩn bị rất tốt về mặt y tế. Thực hiện các Điều lệ Y tế và học tập từ dịch SARS năm 2003, dịch cúm gà H5N1 năm 2005, Việt Nam trong thời gian qua đã thực hiện tốt việc chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn lực để phát hiện, đánh giá, báo cáo và kiểm soát các vấn đề khẩn cấp về sức khoẻ. Tôi rất vui vì WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã và đang xây dựng được mối liên kết bền chặt.

Thứ hai, Việt Nam đã phản ứng hết sức nhanh nhạy. Việt Nam đã kích hoạt hệ thống phòng dịch ngay sau khi có thông báo về một loại virus mới của Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Trong tháng 1, các bạn đã nhanh chóng đánh giá tình hình, thành lập uỷ ban phòng chống dịch và ngay lập tức công bố dịch sau khi có thông báo từ WHO.

Thứ 3 là phương châm toàn Đảng, toàn dân cùng chống dịch với sự quyết tâm và hết mình của các tầng lớp lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo đã đưa ra các quyết định nhanh nhạy, sáng suốt và người dân thì chấp hành các chỉ thị một cách nghiêm túc. Theo tôi, điều này có được là do niềm tin vững chắc của nhân dân Việt Nam với Đảng và Nhà nước.

PV: Đến nay WHO đã có những hỗ trợ cho Việt Nam như thế nào trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thưa ông?

Ông Kidong Park: Ngay từ khi bùng phát đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới đã cùng với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế xây dựng bộ hướng dẫn xử lý tình huống phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Thứ hai, cùng với Bộ Y tế, chúng tôi tiến hành đào tạo để nâng cao khả năng của các nhân viên y tế. Nội dung bao gồm các phương pháp đánh giá tình hình dịch bệnh, các phương pháp xét nghiệm, cách để nâng cao hiệu quả xét nghiệm dịch bệnh, các cách tự bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Thứ ba, chúng tôi cũng cấp một số vật dụng cần thiết như các bộ xét nghiệm, các vật dụng trong phòng thí nghiệm cũng như một số thiết bị bảo hộ y tế cho bác sĩ, y tá của các bạn.

PV: Ở thời điểm này, ông dự báo như thế nào về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới?

Ông Kidong Park: Việt Nam có thể đã thành công trong đợt 2 và trong một vài ngày liên tiếp đã không có ca nhiễm mới nào. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn, đồng nghĩa với việc dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại, khả năng lây nhiễm vẫn tiềm tàng.

Chính vì vậy, các bạn cần tiếp tục giữ vững cảnh giác. Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn dài và chưa thể kết thúc nhanh chóng được.

PV: Trước những nguy cơ tiềm tàng như ông nói, WHO có những lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh ở giai đoạn tiếp theo?

Ông Kidong Park: Đầu tiên, mọi người nên cảnh giác và tiếp tục tuân thủ các chỉ thị của Nhà nước, dù cho ở Việt Nam trong một vài ngày liền đã không có các ca nhiễm mới. Nhưng như tôi đã nói, dịch bệnh vẫn có thể tái diễn và vì vậy các bạn không nên chủ quan.

Thứ hai, trong thời gian này, chính phủ Việt Nam nên tiếp tục nâng cao khả năng của hệ thống y tế, chuẩn bị tinh thần cho đợt bùng phát tiếp theo nếu có bởi hệ thống y tế có thể sẽ quá tải nếu có thêm nhiều bệnh nhân trong thời gian tới.

Thứ ba, các dịch vụ sức khoẻ cộng đồng khác vẫn cần được đảm bảo, bao gồm các dịch vụ tiêm phòng, chăm sóc trẻ em, thai sản, dịch vụ khám và chăm sóc các bệnh khác như sốt rét, HIV,…

Cuối cùng, chúng ta cần cùng nhau đối phó, đẩy lùi dịch bệnh và giải quyết các hậu quả do Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế và xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.