“Việc thiếu thống nhất giữa quy hoạch đô thị và phát triển phương tiện giao thông của Hà Nội đang dẫn tới sự hỗn loạn, xung đột phương tiện.
Nếu đường đã nhỏ, hãy tìm cách phát triển phương tiện công cộng. Nếu đường lớn hơn, hãy phân làn cụ thể.
Cứ xe máy lấn làn ô tô, xe này tạt đầu xe kia không ùn tắc mới lạ…”, không ít người tham gia giao thông hiện nay phản ánh.
Lưu thông trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), dù có vạch sơn trắng phân làn đường, nhưng các phương tiện vẫn ngang nhiên đè vạch, lấn làn.
Ô tô nối đuôi hàng dài đi sang làn đường bên phải dành cho xe máy và xe thô sơ.
Xe khách chiếm dụng lòng đường lớn, lúc đi làn bên trái, lúc lại lấn làn phải bắt khách, khiến nhiều người đi xe gắn máy phải “luồn lách” đi sang làn ô tô, thậm chí leo cả lên vỉa hè để lưu thông khi ùn tắc xảy ra.
Đường Giải Phóng, khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (hướng Pháp Vân), cả rừng ô tô và xe máy chen chúc nhau chẳng còn phân biệt đâu là làn ô tô, đâu là xe máy. |
Đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cũng không khác mấy. Không kể vào giờ cao điểm, cả rừng ô tô và xe máy chen chúc nhau đâm xiên đủ hướng.
Cứ làn đường nào trống, ngay lập tức sẽ có phương tiện len vào thế chỗ, không còn phân biệt đâu là làn ô tô, đâu là làn xe máy.
Mặc dù tuyến đường này có mặt cắt tương đối rộng, nhưng chính bởi sự trộn dòng phương tiện “vô tội vạ”, không theo hàng lối khiến tuyến đường có thể ùn tắc bất cứ lúc nào…
Ô tô đi sang làn đường phía bên phải, sát với vỉa hè - làn đường thường dành cho xe máy trên đường Xã Đàn. |
Trao đổi vấn đề này, các chiến sỹ cảnh sát giao (CSGT) thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phân luồng trên các tuyến phố cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên ở nhiều tuyến đường (dù mặt cắt rộng) là do tuyến đường chưa được phân chia làn một cách khoa học.
Thậm chí, nhiều tuyến đường còn thiếu biển chỉ dẫn giữa các làn phương tiện, khiến công tác xử phạt của CSGT gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội), CSGT gặp nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm lấn làn đường tràn lan của phương tiện.
Do đa phần các tuyến đường ở Hà Nội vẫn chưa phân làn riêng, phương tiện vẫn đi theo làn hỗn hợp, nên “mạnh ai nấy đi”.
“Nếu phạt người vi phạm đi không đúng làn đường thì ở tuyến đường ấy phải có biển báo phân làn theo từng loại phương tiện.
Đơn cử, như phân làn cho xe thô sơ, xe máy, ô tô... thì lực lượng chức năng mới xử phạt được.
Đối với làn đường hỗn hợp không có biển, đương nhiên người tham gia giao thông không bị xử lý lỗi đi không đúng làn đường quy định.
Do đó, nếu đường được phân làn cụ thể sẽ tốt cho việc hướng dẫn, phân luồng, xử lý vi phạm”, Trung tá Thắng cho hay.
Đa phần các tuyến đường ở Hà Nội vẫn chưa phân làn riêng, phương tiện vẫn đi theo làn hỗn hợp nên mạnh ai nấy đi. |
Còn theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, phần lớn các tuyến đường Hà Nội hiện được tổ chức đi theo làn đường hỗn hợp, chưa phân làn đường riêng cho các loại phương tiện.
Thực tế này là do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường còn đang tổ chức thi công, nên chưa thể triển khai.
Tới đây, những tuyến đường nào của Hà Nội hoàn thiện hạ tầng giao thông, Sở sẽ đề xuất thành phố phân làn đường riêng.
Quan trọng, là các chủ phương tiện cần có ý thức tự giác chấp hành để hạn chế ùn tắc và lực lượng CSGT sẽ xử phạt nghiêm để răn đe.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, các loại vạch chỉ dẫn phân chia làn đường vừa có tác dụng hướng dẫn, vừa góp phần đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường.
Giúp người tham gia giao thông định hướng được hành động của mình và được an toàn cả khi ở bên trong và bên ngoài phương tiện.
Việc một tuyến đường không được phân chia làn rõ ràng, khoa học sẽ gây ra sự lộn xộn giao thông và là nguyên nhân chính gây ùn tắc.
Hà Nội: Công trình chống ùn tắc lại gây 'tê liệt' giao thông |