Đã chấm được 50% bài thi môn ngữ văn
Chiều 30/6, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi đã đi kiểm tra tình hình công tác chấm thi tại sở GD-ĐT Hà Nội.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm nay, thành phố có 69.862 bài thi môn ngữ văn và 216.535 bài thi trắc nghiệm.
Từ ngày 24/6 đến 30/6 sở đã làm phách bài thi môn Ngữ văn.
Từ ngày 25/6, phổ biến với ban lãnh đạo chấm thi môn tự luận về quy chế, hướng dẫn chấm, đáp án biểu điểm chấm cho các tổ trưởng.
Đến ngày 27/6, toàn bộ số cán bộ chấm thi gồm 420 người đã được phổ biến quy chế, hướng dẫn chấm.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi với ông Chử Xuân Dũng tại buổi kiểm tra công tác chấm thi chiều ngày 30/6. Ảnh: Lê Văn. |
Bà Nguyễn Thu Hà, phó trưởng ban chấm thi, trưởng ban chấm bộ môn ngữ văn của Hà Nội cho biết, trong số hơn 420 cán bộ chấm thi có 406 cán bộ chấm trực tiếp, chia làm 16 tổ cùng với 16 tổ trưởng.
Tổ chấm kiểm tra gồm 21 người, trong đó có 20 cán bộ chấm thi và 1 tổ trưởng tổ chấm kiểm tra kiêm phó ban chấm thi bộ môn Ngữ văn.
Có khoảng hơn 40 giáo viên nhà xa, phải ở lại ăn ngủ tại trường để đảm bảo sức khỏe thực hiện công tác chấm thi.
Trong 2 ngày Thứ 7 và Chủ Nhật sắp tới, các cán bộ chấm thi cũng sẽ làm việc bình thường để đảm bảo tiến độ.
Cho tới thời điểm hiện tại, đã chấm được 50% số bài vòng 1 môn Ngữ văn. Chiều nay bắt đầu chấm vòng 2 và khớp điểm.
Cho tới nay, giáo viên chưa gặp bất cứ khó khăn nào vì Bộ đã có hướng dẫn rất cụ thể từ barem điểm cho tới hướng dẫn chấm và phiếu điểm.
Bên cạnh đó, tất cả giáo viên đã được hướng dẫn chấm cụ thể và mỗi tổ chấm thi chấm chung 30 bài thay vì 10 bài như quy định của Bộ trước khi giáo viên được giao bài thi để chấm riêng.
Đối với câu hỏi phần Đọc hiểu có chứa từ "thấu cảm", hầu như thí sinh không vướng mắc gì.
Giáo viên chấm thi môn ngữ văn của Hà Nội. Ảnh: Lê Văn. |
Tuy nhiên, theo một thành viên của ban chấm thi có mặt tại buổi kiểm tra, các giáo viên khi chấm thi vẫn tranh luận nhất định ở các phần Đọc hiểu và tạo lập văn bản trong bài làm của thí sinh. Lý do là thí sinh của Hà Nội đông và cách thức làm bài, diễn đạt cũng rất đa dạng.
Chỉ mới phát hiện 5 trường hợp thí sinh tô sai mã đề
Hà Nội có số lượng bài thi trắc nghiệm lên tới hơn 200.000 và đã bố trí 20 máy tính, 10 máy in và 10 máy quét bài thi. Điện lực Hà Nội cũng bố trí máy phát điện dự phòng phục vụ công tác chấm trắc nghiệm.
Có 48 cán bộ chấm thi, 3 cán bộ an ninh, 4 thanh tra (trong đó có 2 thanh tra đến từ các trường ĐH do Bộ cử xuống) tham gia việc chấm bài trắc nghiệm.
Khu vực chấm thi trắc nghiệm được đặt ngay tại trụ sở của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Cho tới ngày 30/6, Hà Nội đã hoàn tất việc quét bài thi của thí sinh.
Trong tổng số 216. 535 bài thi trắc nghiệm, có 71.824 bài thi môn toán, 34.155 bài thi Khoa học Tự nhiên, 47.220 bài thi Khoa học Xã hội, 63.123 bài thi môn Ngoại ngữ.
Theo bà Phạm Thị Xuân Hương, Trưởng ban chấm trắc nghiệm, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Nội mấy năm trở lại đây tốt hơn hẳn các năm trước. Rất ít thí sinh tô sai quy định.
Cho tới hiện tại, chỉ mới phát hiện 5 trường hợp thí sinh tô sai mã đề. Trường hợp thí sinh tô sai số báo danh cũng có gặp nhưng rất hãn hữu.
Các cán bộ chấm thi các bài thi trắc nghiệm của Hà Nội. Ảnh: Lê Văn. |
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngoài 2 thanh tra đến từ các trường ĐH do Bộ cử xuống, đoàn thành tra do sở thành lập cũng gồm 2 người là cán bộ ĐHQG Hà Nộiđể đảm bảo tính khách quan cho công tác chấm thi trắc nghiệm tại địa phương.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị Hà Nội quan tâm tới tiến độ công tác chấm thi cũng như các giải pháp công nghệ thông tin vào thời điểm công bố điểm thi THPT quốc gia.
Với số lượng thí sinh đông nhất cả nước, số lượng bài thi cũng nhiều nhất - sau khi kết thúc việc chấm thi còn phải tiến hành kiểm tra, nhập điểm và gửi dữ liệu về Bộ để tiến hành đối chiếu trên cơ sở dữ liệu chung… - công tác chấm thi phải hoàn thành trước thời điểm công bố theo quy định từ 1-2 ngày.