Giọt nước mặt nghẹn ngào của người mẹ phải xây cũi nhốt con

Trong căn nhà tuềnh toàng, hai người con ngồi ngơ ngác, thỉnh thoảng nói nhảm khiến lòng mẹ quặn thắt, nước mắt cứ chảy dài trên gò má gầy gò.

Nước mắt người phụ nữ ấy lã chã rơi khi chúng tôi chạm đến nỗi bất hạnh của vợ chồng chị. Những đứa con của chị ra đời lần lượt mắc chứng bệnh điên dại. Không nói, không cười, hễ gặp ai đều chửi bới, đánh đập trong vô thức.

“Hơn 20 năm nay, nhìn hai đứa con điên dại bị nhốt trong “chuồng” nơi xó nhà tối om, lòng tôi như bị xé ra từng mảnh. Tôi trở thành người mẹ tàn nhẫn. Nhưng nếu thả con ra, cháu nó sẽ phá phách, chửi bới, đánh đập người ta...khổ lắm. Ba lần sinh nở nhưng tôi chưa một lần được nghe tiếng gọi “mẹ”. Đó là lời tâm sự đẫm nước mắt của người phụ nữ trạc tuổi 50 khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi, khiến ai chứng kiến cũng phải chạnh lòng, xót xa.

Ngôi nhà cấp 4 nằm sâu hun hút trong một con hẻm của xóm nghèo, ven núi thuộc một tỉnh ở Quảng Nam. Trong góc tối căn nhà, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng đến đau lòng, hai đứa con của chị một trai, một gái nằm trong một cái “chuồng”, nước dãi chảy lem nhem trên miệng, đôi mắt vô hồn ngước lên trần nhà. Hai người con đó là con của chị Đào Thị Minh (ở thôn Xuân Ngọc 1, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Có lẽ, người mẹ ấy đã quá bất lực trước số phận nghiệt ngã mà các con chị đang phải chịu đựng.

Cách đây 5 năm, chồng chị là anh Nguyễn Văn Thông, trong lúc đang đi làm đồng bỗng đột nhiên ngã xuống rồi một thời gian sau cũng phát bệnh tâm thần, chị đã tìm mọi cách cứu chữa, nhưng vô phương, người phụ nữ nước mắt dàn dụa, gồng mình đứng dậy trước sóng gió của cuộc đời. Kể từ ngày khi người chồng phát bệnh, bao nhiêu gánh nặng gia đình đều đè lên đôi vai gầy guộc của chị. Đến lúc sức cùng lực kiệt, chị vẫn cô đơn chống chọi kiếp nghèo, và đối mặt với căn bệnh quái ác mà hai đứa con chị đang phải chịu đựng.

Một thân một mình, bươn trải đi làm thuê nuôi hai đứa con bệnh tật. Vừa tủi thân cắn rứt vì không lo được cho người chồng, lại buồn khi nhìn các con đã có tuổi nhưng vẫn ngô nghê như những đứa trẻ khiến lòng người mẹ quặn thắt.

Nghẹn ngào, chị Minh nhớ lại, cách đây 28 năm, niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo như nhân lên gấp bội khi cậu con trai đầu tên là Nguyễn Tân Tin ra đời khỏe mạnh khẩu khỉnh. Dù vất vả, đói nghèo nhưng căn nhà luôn ấm áp vì có thêm thành viên mới. Thế mà niềm hạnh phúc ấy ngắn chẳng tày gang khi cháu Tin bị một sốt dẫn tới động kinh. Sau đó ít lâu Tin qua đời trong nỗi đau đớn tột cùng của đôi vợ chồng trẻ.

Nuốt nước mắt vào lòng, và muốn san lấp nỗi buồn khi mất mát đứa con trai đầu lòng, chị sinh thêm hai người con để thỏa mong ước được làm mẹ. Thế nhưng số phận lại một lần nữa trớ trêu khi em Nguyễn Thị Thế (25 tuổi) sinh ra bị câm và thiển năng trí tuệ, chẳng biết gì đến mọi thứ xung quanh. Còn Nguyễn Tấn Quang (18 tuổi) cũng mắc căn bệnh bại não và có biểu hiện tâm thần, lâu lâu lại lên cơn thần kinh. Tiếng khóc thét, tiếng đập cửa ầm ầm từ căn phòng nhỏ chật hẹp cứ vang ra không ngớt như cứa từng nhát dao lạnh buốt cứa vào lòng người mẹ. Đôi gò má chai sạm bởi nước mắt chị rơi, chị nói mà như khóc: “Sinh được ba đứa con cả ba đứa mắc bệnh. Cứ đến 1 tuổi rưỡi là chúng bắt đầu quấy phá, gào khóc chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Cũng vì bệnh tật mà tôi mất đứa con thứ nhất khi nó mới được 5 tuổi”.

Đưa con đi bệnh viện, chị như không tin vào tai mình khi biết căn bệnh bại não của những đứa con chị rất khó cứu chữa. Gom góp, vay mượn được ít tiền chị lại mang con ra Bệnh viện Nhi, nhưng để con điều trị được ít ngày chị lại phải mang con về vì hết tiền. Mỗi khi vay mượn được tiền chị lại mang con đi dù là hy vọng mong manh nhất. Nhưng rồi, tiền thì hết mà bệnh con chẳng thể nào cứu chữa, niềm hy vọng ấy cũng lụi tàn.

Mọi sinh hoạt hằng ngày từ ăn uống đến tắm giặt của hai đứa trẻ ngây ngô đều phải nhờ vào người mẹ bất hạnh. Thời gian cứ trôi dần qua, niềm hy vọng hai đứa con của chị trở thành một người bình thường nhưng những đứa trẻ cùng trang lứa của chị dần dần bị vụt tắt, có nằm mơ chị cũng không thể ngờ được số phận nghiệt ngã lại đeo bám theo chị đến suốt đời như vậy.

“Nhiều đêm nằm trằn trọc, nhìn hai đứa con đang vật vã, la hét trong vô thức, gạt đi những dòng nước mắt, nấc lên từng tiếng chị Minh cho biết, thời gian đầu khi sinh ra hai đứa vẫn phát triển bình thường, nhưng từ tháng thứ 6 trở lên chậm dần rồi không nhận biết được gì cả, sau đó tự dưng phát bệnh, tôi đã đưa các cháu đi chạy chữa khắp nơi, thấy người ta đồn chỗ này có ông thầy hay, chỗ kia có ông thầy tốt tôi đều đưa con đi hết, nhưng đi mãi bệnh tình của các cháu cũng không tiến triển gì. Nhà tôi nghèo lắm, đến hạt gạo cũng phải đi xin. Hai đứa con suốt ngày phải nhốt trong nhà vì bệnh tâm thần mà không có tiền để chữa trị. Bổn phận người làm mẹ như tôi đành bất lực. Người ta xây chuồng để nhốt gia súc, còn tôi xây chuồng để nhốt con của mình”, chị Minh nói trong nước mắt.

chiec cui trong trai tim nguoi me
Cảnh hai người con nằm trong chuồng.

“Khổ ơi! Bao giờ mới hết”

Hướng đôi mắt nhìn về phía hai đứa con tội nghiệp đang ngồi vô hồn trước nhà, chị bật khóc: “Nhốt hai đứa vào trong “chuồng” nhưng khi đi làm cũng có yên tâm được đâu. Cứ mỗi lúc lên cơn là hai đứa lại đập đầu vào tường, có cái vật dụng gì xung quanh đều bỏ vào miệng nhai. Giờ tôi còn sống thì còn lo được cho hai đứa hắn, chứ sau này tôi già tôi mất đi thì các con tôi phải sống thế nào đây. Ai sẽ nuôi và chăm sóc chúng đây, chúng có biết gì đâu”.

Trong thâm tâm của chị luôn mong ước một điều rằng hai đứa con chị sẽ sớm khỏi bệnh. Vì chị lo sợ một ngày nào đó khi chị đau ốm rồi nằm xuống, không biết con mình sẽ sống ra sao.

chiec cui trong trai tim nguoi me
Chị Minh dàn dụa nước mắt kể về cuộc đời mình.

Thời gian trôi qua, các con của chị Minh lớn lên trong bệnh tật, miệng đời cay nghiệt nhìn vào gia đình còn gọi là “nhà người điên”. Nhiều khi vô tình nghe được những câu nói đầy ác ý ấy, chị chỉ biết ôm lấy hai đứa con tội nghiệp mà khóc. Khóc cho số phận nghiệt ngã của đời mình cũng như chính các con của chị.

Còn những người trong xóm thân tình thì họ thông cảm cho. Người dân sống quanh nhà cho hay: “Bà con lối xóm thương tình hai chị em cũng như hoàn cảnh gia đình của chị Minh nên cũng không trách móc gì, chỉ thở dài, mong cho họ được khỏi bệnh. Hàng đêm, hai chị em đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đó, có đêm thì ngồi ở một góc tối trong xóm rồi la hét, chửi bới, tiếng cười khanh khách, điên dại ..., thấy mà thương”.Những người trong xóm xót xa cảnh nghèo, thương tình giúp người chút ít phụ chị thuốc thang cho chồng con. Biết được chuyện khó khăn của gia đình, người anh cả đã đón em trai của mình( là anh Thông chồng chị Minh) về nuôi để đỡ bớt gánh nặng cho chị.

Cứ tưởng nỗi lo toan trên vai người mẹ nghèo ấy đã đủ nặng nề, vậy mà tai ương lại liên tiếp giáng xuống cuộc đời chị. Mới đây chị lại phát hiện mình mang căn bệnh thoái hóa cột sống nên không làm được những việc nặng nhọc và cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại thêm chồng chất.

“Những tưởng sinh con ra là niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cuộc đời của vợ chồng tôi nghiệt ngã quá. Chẳng biết rồi những ngày tiếp theo với gia đình tôi sẽ ra sao nữa. Thật sự tôi không dám nghĩ đến… chồng tôi giờ cũng không còn khả năng lao động, các con tôi điều bị điên dại, sống trong vô thức giờ tôi lại bệnh tật, sau này tôi mà chết đi thì ai lo cho những đứa con thơ dại của tôi bây giờ.” Nói rồi nước mắt người mẹ ấy lại lăn dài trên khuôn mặt xạm đen, gầy guộc.

Nhìn đôi mắt của người mẹ bất hạnh ngân ngấn lệ, còn hai đôi mắt kia thì cứ đảo qua đảo lại không ngừng. Những ánh mắt “ngớ ngẩn” ấy tưởng chừng như vô thức nhưng lại có sức ám ảnh đến lạ kỳ.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin vui lòng gửi về:

Chị Đào Thị Minh

Địa chỉ: Thôn Xuân Ngọc 1, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.