Giữ gìn 'báu vật' thiên nhiên ở Lý Sơn

Đảo Lý Sơn không chỉ có tỏi, hòn đảo này còn chứa đựng nhiều nền tảng văn hóa phi vật thể, di tích, di sản... đáng để bạn khám phá.
giu gin bau vat thien nhien o ly son San hô hóa thạch hình bông hồng ở đảo Lý Sơn
giu gin bau vat thien nhien o ly son

Người dân đảo tỏi thổi ốc u nghinh rước vong linh hùng binh, hải đội Hoàng Sa trong “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”

Lâu nay, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được nhiều người biết đến như là “vương quốc” của những cánh đồng hành, tỏi. Thế nhưng, bên cạnh đó hòn đảo này còn chứa đựng nhiều nền tảng văn hóa phi vật thể, di tích, di sản, kéo dài qua 3 lớp cư dân Sa Huỳnh - Chămpa - Việt, nối tiếp nhau ra đảo khai khẩn, định cư trong khoảng thế kỷ 9, 10 trước Công nguyên đến nay.

Dấu xưa người cổ

Xưa, đảo Lý Sơn nổi lên giữa biển, xanh một màu của những loài cây hoang dại như bàng biển, phong ba, mù u, phi lao... Nhiều lớp cư dân Sa Huỳnh - Chămpa - Việt nối tiếp nhau vượt sóng ra đảo định cư. Dấu xưa còn để lại là những di tích, dấu tích, kiến trúc, di sản văn hóa giữa hòn đảo này. Như đánh giá của tiến sĩ Phạm Quốc Quân (chuyên gia về văn hóa biển, thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia), hòn đảo chỉ 10km2 nhưng có đến 56 di tích, cứ có 5 di tích/km2. Mật độ di tích dày đến nỗi, hiếm nơi nào trong đất liền có được. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân đưa dẫn chứng, riêng về di tích khảo cổ học, ngoài hậu kỳ thời đại đá cũ, cách đây 30 vạn năm, Lý Sơn còn 2 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng, là Xóm Ốc và Suối Chình, có niên đại cách nay 3.000 - 2.500 năm… Lớp văn hóa tiếp theo là dấu tích Chămpa, có niên đại cách nay 2.000 năm và kéo dài đến thế kỷ 16, 17. Dấu ấn để lại rõ nét nhất là các đền thờ nữ thần Thiền Y A Na, đền thờ Bò (bò Na Đin trong truyền thuyết Ấn Độ giáo). Lớp văn hóa kế cận là của người Việt ra khai khẩn, lập làng trên đảo, bắt đầu từ thế kỷ 16, 17.

Họ là những người dân ở làng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo, để lại nhiều kiến trúc đình làng, nhà thờ họ, chùa, lăng, miếu, nhà cổ… mang đậm truyền thống văn hóa của người Việt vùng duyên hải. Ngoài ra, Lý Sơn còn nhiều di tích cách mạng, nhà tù mà trước đây thực dân Pháp đã dùng để giam giữ những tù binh nổi dậy tại hòn đảo. Ngày trước, hòn đảo này từng là điểm dừng chân của những con tàu buôn trên hành trình Đông - Tây, hay còn gọi là “con đường tơ lụa trên biển”, “con đường gốm sứ”. Ngày sau, ở đó vẫn còn nhiều tàn tích từ những con tàu cổ xưa bị đắm.

Vào thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614 - 1635), đội Hoàng Sa và sau nữa là Bắc Hải được thành lập. Đây là một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo trên các vùng quần đảo giữa biển Đông. Ngày ấy, những chiến thuyền cùng hàng chục binh phu, chủ yếu dân đinh ở đảo Lý Sơn, đã ròng rã suốt 6 tháng trời vượt biển lần đường ra đảo, trước là thu hóa phẩm, “lộc” biển, sau là khẳng định chủ quyền tại những hòn đảo. Từ những cuộc vượt biển ấy, nhiều thi thể của người lính đã nằm lại giữa biển lạnh. Hôm nay, hải đội Hoàng Sa đã không còn vượt biển lấy hóa vật của những con tàu hay lượm lấy vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nữa, tuy vậy hàng năm, cứ độ trung tuần tháng 3, người dân Lý Sơn lại mở Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa rất lớn để tạ ơn những hùng binh mở cõi năm xưa.

Sớm có quy hoạch, bảo tồn

Huyện đảo Lý Sơn có khoảng 70% diện tích được hình thành từ quá trình vận động, phun trào, tắt đi của những miệng núi lửa. Trải qua dặm dài biến cố, nham thạch núi lửa đã sinh ra nhiều dạng địa chất, địa mạo hết sức dị biệt, độc đáo cho hòn đảo.

Theo tài liệu nghiên cứu của PGS-TSKH Vũ Cao Minh (Viện Địa chất - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), tại Lý Sơn có thể xác định được 10 miệng núi lửa đã tắt (6 miệng ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé, 3 miệng núi lửa ngầm). Trong đó, các miệng núi lửa lớn như Thới Lới, Giếng Sỏi, Giếng Tiền, Hòn Đụn là núi lửa phun nổ; các miệng nhỏ như Hòn Tai, Hòn Vung thì phun nghẹn. Có những miệng núi lửa trẻ và cổ hơn xếp chồng lên nhau, hết sức đặc biệt… PGS-TSKH Vũ Cao Minh đề xuất, tương lai cần xây dựng Lý Sơn thành khu du lịch độc đáo. Về kiến trúc, cần lấy cảm hứng từ núi lửa và biển, còn gọi là “kiến trúc núi lửa”. Nhiều công trình lớn trên thế giới như Công viên nước vịnh Núi Lửa ở Florida (Mỹ), Cung Hội nghị ở Đài Loan, trung tâm thương mại ở Nola (Ý)… đều có kiểu kiến trúc lấy cảm hứng từ núi lửa, hết sức độc đáo.

Mới đây, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi đã mời 5 chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, cùng 13 chuyên gia trong nước về văn hóa, địa chất khảo sát để lập hồ sơ Công viên Địa chất toàn cầu Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận. Qua khảo sát cụ thể, các chuyên gia đều khẳng định vùng địa chất tại các địa phương rất có giá trị, ở dạng hiếm, cần phải chăm sóc đặc biệt, mà hạt nhân chính là ở đảo Lý Sơn.

Vào đầu tháng 1-2018, Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) đã cử 6 tiến sĩ dẫn đầu 3 nhóm nghiên cứu ra đảo Lý Sơn để giúp Quảng Ngãi lập hồ sơ công viên địa chất. Một nhóm nghiên cứu về địa mạo, tân kiến tạo; hai nhóm khác nghiên cứu về đất, đá, sinh thái… Đến ngày 17-1, nhóm của tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam đã phát hiện ra ở phía Đông Bắc đảo Lý Sơn còn có một “nghĩa địa” san hô hóa thạch, hiếm có trên thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam cho biết: “Sở dĩ chúng tôi gọi đó là nghĩa địa, bởi vì những rạn san hô này mọc lên tại chỗ và chết đi cách đây khoảng 4.000 - 6.000 năm trước. Có thể do tác động của quá trình vận hành núi lửa đã làm cho san hô chết tại biển, rồi hóa thạch cho đến hôm nay mới lộ thiên. Đây là một công trình thiên tạo hết sức lạ, trên thế giới có thể chỉ ở Lý Sơn. Do kiểu dáng, đường nét của các khối đá san hô hóa thạch giống với hình xoáy cối xay cổ ở đồng bằng miền Bắc, nên nhóm chúng tôi gọi là hóa thạch san hô cối xay cổ. Phát hiện này mang tầm quốc tế, nó sẽ đóng góp rất lớn đối với du lịch tại đảo Lý Sơn. Đặc biệt sẽ góp phần củng cố hồ sơ, xây dựng đề án công viên địa chất tại Lý Sơn và vùng phụ cận”. Tới đây, tỉnh Quảng Ngãi sẽ quy hoạch để bảo tồn “nghĩa địa” hóa thạch san hô cối xay cổ. Các chuyên gia đề xuất, cần giữ nguyên trạng, phục dựng lại những khối đá đã bị hư hại, vỡ, rạn nứt…

Trải qua bể dâu, con người và thiên nhiên đã tạc ra giữa biển một hòn đảo vừa linh thiêng lại vô cùng quý giá. Rồi mai đây, lớp người kế cận có gìn giữ trọn vẹn và phát huy hết khối gia sản lớn đó không? Đó là câu hỏi mà những ai yêu mến Lý Sơn cũng như các nhà khoa học đau đáu trong lòng. Bởi, một sự thật đáng ngại rằng, hòn đảo đang bị tổn thương ở mức đáng báo động vì gần 22.000 con người trên đảo cùng với số lượng hàng trăm ngàn khách du lịch đến đây mỗi năm đã khiến Lý Sơn quá tải. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, chính quyền Quảng Ngãi cùng các bộ, ngành Trung ương cần có quy hoạch, bảo tồn và phát huy những giá trị quý giá mà Lý Sơn đang có để mai sau không phải tiếc nuối.

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn, vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao, với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển có trên 700 loài động thực vật biển được xác định. Trong đó, 150 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển… Ngoài ra, có 25 loài nằm trong danh mục các loại thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ. Đây cũng là nơi từng chứng kiến sự tồn tại và mất đi của nhiều loài sinh vật quý hiếm, như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, trai tai tượng…

'MỜI XEM THÊM'

giu gin bau vat thien nhien o ly son Những điểm đến lý tưởng ngày hè để cả gia đình thư giãn
giu gin bau vat thien nhien o ly son Những hòn đảo được ví như Maldives của Việt Nam
giu gin bau vat thien nhien o ly son Cẩm nang những điều cần biết trước khi du hí Lý Sơn

Ngọc Oai

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.