Giữa lúc Soya Garden đóng cửa hàng loạt, chuỗi rau má bình dân lại liên tục mở cửa hàng mới, thu tiền triệu mỗi ngày

Có vẻ các loại nước uống bình dân, quen thuộc như rau má, nước mía đang “lên đời”. Nhiều chuỗi phục vụ những món quen thuộc gần đây liên tục mọc lên len lỏi khắp các ngã đường, thu hút rất đông khách thành thị. Bí quyết của các chủ hàng chỉ là việc hiểu đúng chữ bình dân.

Trà chanh từ ngồi bệt lên ngồi bàn

Từ vỉa hè lên đến hàng quán sang trọng, "trà chanh chém gió" ngày nào, giờ đã trở thành thức uống "lên đời" giúp chủ quán thu lời kha khá trong những nằm gần đây. Trên các tuyến phố lớn ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Tô Hiệu, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh…, nhiều tiệm trà chanh mọc lên san sát. Lượng khách ra vào quán liên tục tăng cao vào buổi trưa và tối.

Từ ngồi bệt uống trà chanh với giá vài nghìn đồng/li, đến nay thực khách vui vẻ chi 20.000-30.000 đồng cho mỗi lần uống bởi được thưởng thức ở không gian các quán trà  đa dạng. Quán trà chanh có nơi thiết kế bài bản, trông không khác những quán trà sữa hay cà phê hạng sang.

Mô hình trà chanh ngoài mặt bằng, các khâu tìm nguyên liệu, pha chế, nhân viên… không có gì làm khó chủ quán. Là một thức uống bình dân, trà chanh càng không có "bí quyết gia truyền".

Không như sữa đậu nành, nhiều thức uống bình dân được lên đời vẫn thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 1.

Trà chanh được giới bán buôn rỉ tai nhau là mô hình làm 1 lời đến 3-4. (Ảnh: Hải Miên).

Nhiều chủ quán hồ hở chia sẻ mỗi ngày có thể kiếm được 4-5 triệu đồng từ trà chanh. Cuối tuần, có khi phải từ chối khách vì quán quá đông, doanh thu đạt tới 6-8 triệu đồng. Những ngày nắng nóng gần đây, có quán còn thu về con số hàng chục triệu đồng chỉ trong một ngày bán nước.

Thế nhưng, đây không phải là một mô hình kinh doanh bền vững. Không ít hàng quán đã nhanh chóng ngã ngựa sau khi chi hàng trăm triệu kinh doanh. Một chuyên gia trong ngành bán lẻ đồ uống cho rằng, trà chanh là lĩnh vực rất ứng với câu "cái gì lớn càng nhanh thì sẽ chết càng nhanh". 

Đây là mô hình kinh doanh dễ sao chép, các hàng quán mở rầm rộ mà chỉ khác nhau về tên thương hiệu. Điều này khiến khái niệm "quán ruột" trong tâm trí khách hàng hầu như trống rỗng.

Sữa chua trân châu bỗng gây sốt

Mùa hè năm nay, nhiều hội nhóm ăn uống dần bàn về sữa chua trân châu Hạ Long, một món bình dân đang được "lên đời".

Sữa chua trân châu Hạ Long dù không mới ở "quê gốc" nhưng mới rộ lên từ đầu năm ở Hà Nội và đang có mặt khắp các ngõ ngách. Món sữa chua này ban đầu rất đơn giản, được làm từ các loại sữa, theo công thức làm sữa chua bình thường. Dần dần, được "biến thể" với nhiều hương vị mới.

Mức giá của loại sữa chua này cũng đa dạng tùy vào đồ ăn vặt kèm theo. Sữa chua trắng hay sữa chua kết hợp với các loại nước sốt chanh leo, ca cao, matcha, đậu đỏ, nếp cẩm... sẽ có giá từ 20.000 đồng/li. Các loại sữa chua trân châu ăn kèm với hoa quả như đào, dâu, kiwi... mỗi li sẽ có giá khoảng 35.000 đồng.

Mới phổ biến trong mùa hè này, sữa chua trân châu đã nhanh chóng cuốn bay sức nóng của trà chanh. (Ảnh: Đức Huy).

"Sữa chua có thể ăn quanh năm, tốt cho sức khỏe, hơn nữa nó phù hợp với nhiều lứa tuổi từ trẻ nhỏ cho tới người lớn. Giá cả của một li chỉ từ 20.000 đồng nên rất được nhiều người đón nhận", anh Phương, quản lí tại một cửa hàng sữa chua trân châu Hạ Long trên phố Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ.

Chỉ cần đầu tư 200-400 triệu đồng là có thể mở ngay một quán sữa chua trân châu Hạ Long, nhiều chủ quán đua nhau mở tiệm, tại TP HCM cũng bắt đầu xuất hiện. Nhiều chủ quán xác nhận mô hình này chỉ cần vài tháng là đạt điểm hoà vốn.

Rau má "lên đời" bán 200 li mỗi ngày

Nếu miền Bắc hot vì trà chanh và sữa chua trân châu trong một năm trở lại đây thì tại miền Nam, thức uống rau má kết hợp với nguyên liệu khác, còn gọi là rau má mix, đang thành thức uống "ghiền" của nhiều người. 

Rau má ép nước là thức uống rất quen với tuổi thơ của nhiều người. Đây là loại thức uống khá dễ tính vì dù pha với nguyên liệu gì, vị kết hợp cũng rất hài hoà.

Việc pha rau má với các nguyên liệu khác cũng không có gì quá sáng tạo, ở đâu cũng có thể làm rau má đậu xanh, rau má dừa, rau má sữa, thạch… Nhưng, điểm "ăn tiền" của các chuỗi rau má mix là các nguyên liệu kết hợp đều rất "trẻ" và quen thuộc.

Tại một cửa hàng rau má mix trên đường Hoàn Diệu 2 (Thủ Đức, TP HCM), cứ khoảng 2h chiều, tài xế công nghệ đã vây quanh chờ nhận thức uống cho khách. Từ xa, dễ dàng thấy được có đến 2-3 nhân viên nhiệt tình cầm sẵn bảng menu gọi món, nở nụ cười thân thiện chào khách ghé mua.

Tại đây, rau má được kết hợp với đậu xanh, sữa dừa, khoai môn… Nhưng điều sáng tạo hơn cả là những li rau má được uống kèm với các loại toping sành điệu như thạch củ năng, trân châu trắng, sương sáo hạt chia,…  Và chuỗi này còn ghi điểm khiến khách ngày càng "ghiền" là giá. Mỗi li nước mix đủ loại cũng chỉ trong khoảng 20.000-36.000 đồng.

Không như sữa đậu nành, nhiều thức uống bình dân được lên đời vẫn thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 3.

Mô hình rau má kết hợp các nguyên liệu khác đang rất phổ biến tại TP HCM. (Ảnh: Tất Đạt).

Theo nhân viên cửa hàng, mỗi ngày quán bán được không dưới 200 li rau má mix, nhất là vào buổi trưa nắng nóng. "So với các quán nhỏ lẻ ven đường, chuỗi của chúng tôi đảm bảo được nguồn nguyên liệu sạch hơn. Rau má uống kèm các loại toping lại có vị độc đáo, ngon hơn hẳn các li rau má 5.000-10.000 đồng", nhân viên nói thêm.

Từng một thời rất "nghiện" trà sữa, chị Hồng Hà (22 tuổi) gần đây đã có thêm sự lựa chọn mới. Chị giải thích: "Về giá cả, một li rau má rẻ bằng 1/2, thậm chí hơn, so với một li trà sữa, mà toping cũng không khác gì. Về độ an toàn sức khoẻ, rau má chắc chắn tốt hơn trà sữa. Ngày xưa, đứa con nít nào mà không được mẹ xay rau má để uống cho 'mát người'. Mình còn tìm hiểu ra, rau má giúp căng da, ngừa mụn, còn trà sữa thì chỉ 'bồi' thêm mụn lên mặt thôi".

Vì lẽ đó, món rau má mix ngày càng phổ biến. Nhiều chuỗi mọc lên khắp TP HCM với số lượng cửa hàng nhiều nhất lên đến 23, chỉ sau hơn 1 năm "lên đời". Trên các nhóm thảo luận về ăn uống, giới trẻ cũng đang dành nhiều sự ưu ái dành cho loại thức uống quen mà lạ.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.