Gỡ khó mặt bằng phục vụ các dự án trung tâm TP Ninh Bình

Nhằm cải tạo môi trường, cảnh quan, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch hạ tầng của đô thị trung tâm và phát triển du lịch, thời gian qua, 3 dự án triển khai trên sông Vân đoạn qua trung tâm thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đang được gấp rút triển khai.

Nhằm cải tạo môi trường, cảnh quan, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch hạ tầng của đô thị trung tâm và phát triển du lịch, thời gian qua, 3 dự án triển khai trên sông Vân đoạn qua trung tâm thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đang được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, do khối lượng công việc giải phóng mặt bằng lớn nên để tạo sự đồng thuận của người dân, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, các ngành, địa phương có liên quan đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Khó khăn giải phóng mặt bằng

Sông Vân là con sông lịch sử nối liền sông Vạc và sông Đáy, chảy qua trung tâm thành phố Ninh Bình, đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim dài khoảng 1km. Đây là khu vực trung tâm của thành phố với mật độ dân cư và hoạt động kinh doanh, buôn bán rất sầm uất. Từ năm 2023 đến nay, có 3 dự án triển khai trên đoạn sông Vân này bao gồm: Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình làm chủ đầu tư); Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư) và mới đây HĐND thành phố Ninh Bình đã có Quyết định về chủ trương đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị 2 bờ sông Vân (đoạn từ cầu Lim đến cầu Vân Giang).

Trong đó, dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân được đầu tư tổng số vốn 600 tỷ đồng. Trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã bàn giao 1.470/2.000m (đạt 73,5%). Sau nhiều tháng thi công, nhà thầu đã triển khai kè được hàng trăm mét hai bên bờ sông Vân. Nhiều hạng mục chưa thể triển khai do công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Ông Nguyễn Đình Tú, Giám đốc Quản lý Dự án cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân cho biết, đoạn tuyến qua Chợ Rồng chưa có phương án di chuyển các khu chợ nằm trong phạm vi thực hiện dự án, một số hộ dân chưa chấp thuận phương án và đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, khu dân cư bờ Đông sông Vân giáp khách sạn Hoàng Gia còn vướng 10 hộ thuộc Khu tập thể đầu máy đường sắt được cấp nhà tập thể nhưng không được cấp đất.

Cũng trên đoạn sông Vân này, dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là bắc qua sông Vân với tổng số vốn 133,57 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Cầu Chà Là được khởi công xây dựng từ tháng 10/2023, có chiều dài 46m, bề rộng cầu 26m. Dự án được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương đầu tư với mục đích từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm tải cho các cầu bắc qua sông Vân hiện tại, tạo điểm nhấn về kiến trúc sông Vân và khu vực nội đô thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Có khoảng 38 hộ kinh doanh, buôn bán và tài sản của Ban Quản lý dự án chợ Rồng bị ảnh hưởng bởi dự án.

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng đang ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Ông Đinh Văn Hoàng, Phụ trách kỹ thuật thi công, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thành Trung cho biết, riêng về mặt bằng, hiện nhà thầu đã được bàn giao khoảng 73%. Trong quá trình thi công, vướng mắc chính của nhà thầu là giải phóng mặt bằng. Trên tinh thần có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, nhà thầu cũng mong muốn nhận được sự hợp tác của địa phương để nhanh chóng có mặt bằng sạch thi công, đảm bảo tiến độ dự án đã đề ra.

Như vậy, trên dòng sông Vân, đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim hiện có 2 dự án được triển khai với tổng số vốn là 733,57 tỷ đồng; trong đó chi phí dành cho giải phóng mặt bằng là 172,3 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng dự án xây dựng mới cầu Chà Là hơn 22,3 tỷ đồng và dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân là 150 tỷ đồng. Ngoài 2 dự án nói trên, mới đây HĐND thành phố Ninh Bình cũng đã có quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị hai bờ sông Vân với số vốn 710 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 350 tỷ đồng.

Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Để thực hiện các dự án, hàng chục hộ dân, nhiều cơ quan công sở, nhiều ki ốt chợ 2 bên bờ sông Vân trong diện giải tỏa phục vụ giải phóng mặt bằng như: di chuyển một số khu, điểm kinh doanh tại chợ Rồng nằm trong phạm vi thực hiện dự án, khu vực dân cư giáp khách sạn Hoàng Gia, một số hộ dân phố 4 phường Vân Giang, khu tập thể đầu máy đường sắt...

Trong đó, chợ Rồng Ninh Bình là chợ hạng II, hiện có khoảng 700 hộ kinh doanh, buôn bán. Hiện, một số khu vực trong chợ Rồng cũng đang chịu ảnh hưởng bởi dự án xây dựng cầu Chà Là và dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân. Để sớm giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công, thành phố Ninh Bình đã xây dựng và triển khai Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 25/01/2024 về "Hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Rồng Ninh Bình di chuyển đến địa điểm kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình". Mục tiêu của đề án là di chuyển các hộ đang kinh doanh tại chợ Rồng đến kinh doanh tại các chợ được quy hoạch, để từng bước thực hiện quy hoạch cảnh quan hai bờ sông Vân.

Triển khai đề án, thành phố Ninh Bình đã giao cho Ban quản lý chợ Rồng, các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong thực hiện đề án. Thành lập tổ thẩm định, trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện để tiến hành tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ của các hộ kinh doanh có nhu cầu di chuyển. Các tổ công tác của thành phố đang tập trung cao cho công tác này, phấn đấu sớm thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đối với các hộ đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các phường, xã bố trí, sắp xếp để đón tiểu thương di chuyển về kinh doanh; yêu cầu Ban Quản lý chợ nơi các hộ kinh doanh chuyển đến có phương án sắp xếp theo vị trí ngành hàng, bảo đảm khoa học, phù hợp thực tế. Thông tin rộng rãi khi tiếp nhận các hộ kinh doanh chuyển đến kinh doanh tại địa phương.

Trong quá trình kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu thành phố Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xem xét các chính sách pháp luật hiện hành để áp dụng đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân và các tổ chức đảm bảo đúng, đủ và theo hướng có lợi nhất cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong tâm tư, tình cảm của người dân TP Ninh Bình.

Ông Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Ninh Bình cho biết, các dự án đều với mục tiêu là góp phần tạo cảnh quan không gian đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Do khối lượng công việc giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án là rất lớn, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, mục tiêu của dự án, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Cùng với đó, UBND thành phố Ninh Bình tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là quan tâm áp dụng đúng chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án; đảm bảo các khâu, các bước thật sự công tâm, khách quan, công khai, minh bạch để tạo được sự đồng thuận của người dân.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.