Sáng 2/6, các thí sinh tại TP HCM đã bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 - 2018 môn Ngữ văn. Thời gian làm bài trong 120 phút.
Đề thi môn Ngữ văn thi ra lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh năm 2017. |
Đề thi môn Ngữ văn thi ra lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh năm 2017. |
Cô giáo Hoàng Thúy Hoa - một giáo viên dạy chuyên Ngữ văn tại TP Hà Nội đã đưa ra gợi ý để giải đề thi môn Ngữ văn sáng nay như sau:
Câu 1 (3 điểm):
a, Những thành tích: Bơi lội - Điện ảnh.
b, Phép lặp: Lặp từ cậu bé.
c, Thông điệp chung của hai văn bản: Phải biết đặt mục tiêu để phấn đấu.
d, Suy nghĩ...
- Thần tượng là hình mẫu lí tưởng, mô thức hoàn hảo trong lĩnh vực nào đó mà người hâm mộ muốn, học hỏi, noi theo và tiếp nối. Hiên nay giới trẻ có một số bạn bắt chước thái quá hoặc giống hoàn toàn với thần tượng của mình. Đó cũng là vấn đề mà những người làm cha , làm mẹ đang lo lắng cho con em của họ.
- Từ những hành động của giới trẻ hiện nay dành cho thần tượng của mình một cách thái quá cho ta rút được kinh nghiệm: chọn cho mình một thần tượng phù hợp để học ở đó thái độ cầu tiến, để ra cho mình hướng đi, lối sống đúng đắn... Chứ không phải bắt chước thái quá gây phản cảm cho người khác và có khi làm hại đến bản thân mình.
Mỗi chúng ta cần xác định cho mình những cách ứng xử và lựa chọn đúng đắn. Trân trọng và thần tượng cái đẹp nhưng không thái quá mà vẫn luôn giữ được một phương châm sống chuẩn mực và lành mạnh.
Câu 2 (3 điểm):
Thí sinh viết đúng hình thức bài văn ngắn nhưng có đủ ba phần:
1, Mở bài:
- Dẫn dắt vấn đề. - Đưa yêu cầu của đề: Tuổi trẻ cần sống khác biệt. Nêu ngắn gọn yêu cầu của đề.
2, Thân bài:
- Giải thích: Thế nào là sống khác biệt: - Biểu hịên của sống khác biệt - Sống khác biệt có lợi hại như thế nào? Tại sao tuổi trẻ lại cần sống khác biệt? Thái độ của người lớn và cộng đồng với lối sống khác biệt của giới trẻ - Liên hệ bản thân.
3, Kết bài:
Đánh giá vấn đề: Tuổi trẻ sống khác biệt là cần theo đúng nghĩa chứ không nên cố tạo ra lối sống khác người và vì mục đích không đúng đắn...
Câu 3 (4 điểm):
Ở đề số 1:
Thí sinh viết đúng hình thức bài văn cảm nhận về đọan thơ.
1, Mở bài: Giới thiệu được tác giả, bài thơ và nội dung chủ yếu của hai khổ thơ.
2, Thân bài:
* Cảm nhận về hai khổ thơ:
Chú ý khai thác giá trị nghệ thuật đặc sắc để làm nổi bật nội dung của hai khổ thơ: Cảnh ra khơi và tâm trạng con người.
* Cảnh hoàng hôn trên biển được miêu tả bằng một hình tượng độc đáo:
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then đêm sập cửa”.
- Với sự liên tưởng so sánh thú vị, nhà thơ Huy Cận đã miêu tả rất thực sự chuyển đổi thời khắc giữa ngày và đêm khiến cảnh biển vào đêm thật kì vĩ, tráng lệ như thần thoại. Vũ trụ như một ngôi nhà lớn với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng hiền hoà gối đầu nhau chạy ngang trên biển như những chiếc then cài cửa. Phác hoạ được một bức tranh phong cảnh kì diệu như thế hẳn nhà thơ phải có cặp mắt thần và trái tim nhạy cảm.
* Khi thiên nhiên bước vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu làm việc:
- Màn đêm mở ra đã khép lại không gian của một ngày. Giữa lúc vũ trụ, đất trời như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì ngược lại, con người bắt đầu hoạt động:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Câu hát căng buồm trong gió khơi" - Sự đối lập này làm nổi bật tư thế lao động của con người trước biển cả.
+ Nhịp thơ nhanh mạnh như một quyết định dứt khoát. Đoàn ngư dân ào xuống đẩy thuyền ra khơi và cất cao tiếng hát khởi hành. Từ “lại” vừa biểu thị sự lặp lại tuần tự, thường nhật, liên tục mỗi ngày của công việc lao động vừa biểu thị ý so sánh ngược chiều với câu trên: Đất trời vào đêm nghỉ ngơi mà con người bắt đầu lao động, một công việc lao động không ít vất vả.
+ Hình ảnh “câu hát căng buồm” - cánh buồm căng gió ra khơi, đây là ẩn dụ cho tiếng hát của con người có sức mạnh làm căng cánh buồm. Câu hát là niềm vui, niềm say sưa hứng khởi của những người lao động lạc quan yêu nghề, yêu biển và say mê với công việc chinh phục biển khơi làm giàu cho Tổ quốc.
* Bốn câu thơ tiếp theo nói về những câu hát để làm nổi bật một nét tâm hồn của người dân chài:
"Hát rằng cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi".
- Họ hát khúc hát ca ngợi sự giầu có của biển cả. Họ hát bài ca gọi cá vào lưới, mong muốn công việc đánh cá thu được kết quả tốt đẹp.
* Liên hệ: Tình yêu của con người Việt Nam với Biển đảo
- Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, vì vậy có muôn vàn trái tim ngày đêm hướng về biển đảo, dành tình yêu cho những người lính biển cùng các chiến sĩ, các lực lượng ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà. Người dân Việt Nam đều hướng về biển bằng một tình yêu chung thủy. Đó là niềm tự hào, say mê trước vẻ đẹp của những bãi cát dài, làn sóng biếc, vịnh đảo nên thơ.
- Những người dân bám đất, bám đảo, chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn lắm nhưng hạnh phúc nhiều với suy nghĩ: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Tôi cảm phục trước những bức tượng đài sống của những người chiến sĩ hải quân, đầu đội mũ, tay vác súng đứng canh giữ biển. Giữ đảo chính là đang bảo vệ quê hương mình. Mang trên vai trọng trách bảo vệ quê hương đất nước chính là niềm tự hào của các chiến sĩ hải quân.
Bác Hồ đã từng căn dặn: “Ngày xưa ta có đêm, có rừng.
Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển.
Bờ biển nước ta dài, tươi đẹp.
Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó”.
Mỗi người thể hiện tình yêu nước, yêu biển - đảo khác nhau nhưng với tất cả đều thể hiện tình cảm mãnh liệt ấy bằng nhiệt huyết của trái tim và lòng nhân ái.
3, Kết bài: Nêu khái quát vấn đề và đánh giá liên hệ.
Ở đề số 2:
Bài viết của học sinh có thể đảm bảo các ý sau:
1. Mở bài: - Dẫn dắt vấn đề. - Đưa yêu cầu của đề bài.
2. Thân bài: - Giải thích: - Đọc một tác phẩm là như thế nào? - Đi muôn dặm đường nghĩa là... - Bàn luận giải quyết vấn đề.
- Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách nói chung và tác phẩm văn học nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Nó là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách chính là người bạn tâm giao của mỗi con người, đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của mỗi người.
Sách là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại – một tài sản tinh thần vô giá vì nó cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về phong tục tập quán, văn hoá lịch sử của tất cả các dân tộc trên thế giới. Sách làm cho tâm hồn ta phong phú thêm, trí óc ta mở mang, văn minh hơn và ta thấy đời sẽ ý nghĩa và đáng yêu biết bao!
Mọi thành công của con người đều nhờ sự kết hợp của kinh nghiệm bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và trong sách vở. Chính vì vậy mà từ lâu sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của loài người trên thế giới.
Ví dụ: Đọc tác phẩm: "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đọc cảm nhận được nỗi đau chiến tranh gây ra và không khỏi không xúc động trước thông điệp của nhà văn đó chính là tình cảm gia đình trong chiến tranh.
Đọc bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, người đọc trân trọng tình đồng chí đồng đội của những người lính thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhưng điều lớn lao hơn là mỗi chúng ta như được quay ngược trở lại quá khứ, cùng sống lại những năm tháng hào hùng của cha anh...
Như vậy, chả phải là chúng ta đã đi được nhiều dặm đường hay sao?
Người xưa đã nói: "Không có sách thì không có tri thức".
Ngoài việc học ở ngoài đời sống thực tế, từ mọi người xung quanh, sách là người bạn không thể thiếu của con người. Đó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có thể tự tìm tòi trong suốt cuộc đời của mình. Chúng ta đọc một cuốn sách như đi muôn dặm đường để học hỏi, chinh phục tri thức. Sách là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại, khi đọc sách bạn sẽ có cảm giác như mình như đang được dẫn vào thế giới trong sách, bạn sẽ thấy hiểu rõ hơn biết thêm nhiều điều hay.
Vì vậy, đọc sách sẽ làm giàu tri thức và hoàn thiện nhân cách như M.Gorki từng nói: "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống”.
Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm…về vấn đề đọc sách – đọc tác phẩm văn học... Đề xuất phương châm đọc sánh đúng đắn…
3. Kết bài: Khẳng định vấn đề.
Lưu ý: Đây là gợi ý mang tính khái quát và giúp thí sinh có thể tham hảo. Bài làm sẽ có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nếu đảm bảo ý thì thí sinh vẫn có điểm.
Các thí sinh thi vào lướp 10 chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 1/6. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ngoài ra, cô giáo Hoàng Thuý Hoa cũng đánh giá: Đề thi vào lớp 10 của TP Hồ Chí Minh có tính thời sự cao, thiên về xã hội và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Ngay từ ý d của câu 1, đề số 2 của câu 3 cũng mang tính thời sự nóng hổi về vấn đề đọc sách cho mọi người, ngày hội sách diễn ra hàng năm.
Gợi ý giải đề thi môn Hóa thi lớp 10 chuyên ĐH Sư phạm
Hiện tại đã có gợi ý giải đề thi môn Hóa học thi ra lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội ... |