Theo dân gian, vào 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép về chầu trời nhằm báo cáo tình hình hạ giới trong một năm qua cho Ngọc Hoàng. Do vậy, gia chủ cần thực hiện lễ cúng trước thời điểm này. Tùy theo từng gia đình mà lễ cúng có thể diễn ra vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc từ 9h đến 11h sáng ngày 23 tháng Chạp.
Trước khi bày mâm cơm cúng, gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng gồm:
- Mũ Táo Quân: 1 chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn, 2 chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn
- Hài Táo Quân: 1 đôi hài nữ, 2 đôi hài nam
- Quần áo Táo Quân: 1 bộ cho nữ, 2 bộ cho nam
- Giấy tiền, vàng mã
Mâm cơm tiễn ông Công ông Táo không cần quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự trang trọng và chỉn chu. Một mâm cơm cúng 23 tháng Chạp thường có:
– 1 chén gạo
– 1 chén muối
– 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc
– 1 con cá chép sống
– 1 tô canh mọc hoặc canh măng
– 1 đĩa xào thập cẩm
– 1 đĩa giò
– 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
– 1 đĩa chè kho
– 1 đĩa trái cây
– 1 ấm trà
– 3 ly rượu, nước
– 1 quả cau, lá trầu
– 1 bình hoa
Thông thường, người ta sẽ đặt mâm cơm cúng ông Công ông Táo ngay trong khu bếp vì quan niệm điều này sẽ mang lại sự sung túc quanh năm cho cả gia đình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi gia đình mà gia chủ có thể lựa chọn nơi cúng phù hợp như bàn thờ Táo Quân, bàn thờ gia tiên hoặc trên một chiếc bàn trải vải đỏ đặt ngoài hành lang hay ở giữa phòng khách.
Để mâm cơm cúng ông Công ông Táo nhìn gọn gàng và đẹp mắt nhất, bạn có thể tham khảo cách bày mâm sau và điều chỉnh cho phù hợp với gia đình mình:
- Đặt quần áo, hài và mũ ông Công ông Táo vào phía trong cùng, góc trái hay góc phải đều được.
- Đặt giấy tiền, vàng mã bên cạnh bộ quần áo ông Táo. Bạn có thể dựng đứng hoặc đặt nằm ngang sao cho thích hợp.
- Bày mâm cơm cúng với các món như gợi ý bên trên. Nếu không thể đặt hết trong một mâm, bạn có thể bày trực tiếp ra mặt bếp hoặc bàn thờ.
- Đặt rượu, nước lên phía trước mâm cúng.
- Đặt muối, gạo, cơm, chè và trái cây ở phía ngoài sát rìa mâm cỗ. Trường hợp không có lư nhang cúng bếp thì bạn có thể cắm nhang lên chén gạo và đặt chén ra trước mâm.
- Đặt lọ hoa ở phía trong, góc trái hay góc phải mâm đều được.
- Cho cá chép sống vào tô đủ rộng, thêm nước vào tô và đặt cạnh mâm.
Khi chuẩn bị mâm cơm cũng như lúc cúng ông Công ông Táo, gia chủ nên lưu ý những điều sau:
- Trước khi bày mâm cúng, gia chủ nên lau dọn nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị chu tất các đồ lễ, kiểm tra kỹ lưỡng nhiều lần để tránh thiếu sót, lẫn lộn, nhất là các bộ quần áo, mũ và hài.
- Khi cúng, gia chủ nên mặc quần áo chỉnh tề, cột tóc gọn gàng, không mặc quần áo ngắn, lượm thượm.
- Sau khi nhang đã cháy hết hoặc gần hết, gia chủ có thể mang đồ lễ đi hóa vàng và mang cá ra thả ngoài sông, suối sạch.