Giám đốc điều hành SoftBank trong chuyến thăm đến Indonesia tháng 7 vừa qua, đã hứa sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ USD vào nước này thông qua startup công nghệ Grab, từ đó mong muốn xây dựng trụ sở thứ hai tại Jakarta.
Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau đó, khi báo cáo tài chính mới nhất của ngân hàng này được công bố, SoftBank đã chứng kiến khoản lỗ theo quý đầu tiên trong 14 năm, sau khi ghi nhận giảm giá trị một số khoản đầu tư của mình, bao gồm WeWork và Uber.
Khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh của SoftBank ở quý III/2019 là 704,4 tỉ yen (6,5 tỉ USD). Quỹ Vision của tập đoàn này cũng mất trắng 970,3 tỉ yen trong 3 tháng kết thúc vào ngày 30/9, vì ghi giảm giá trị của các khoản đầu tư.
Ứng dụng gọi xe Uber được SoftBank hỗ trợ, tiếp tục khiến các nhà đầu tư thất vọng. Giá cổ phiếu của nó đã giảm 6% trong phiên giao dịch đầu tuần này, sau khi công bố một quý kinh doanh cũng đầy bết bát.
SoftBank cũng từng là người ủng hộ lớn nhất đối với Grab, với hơn 3 tỉ USD đã đầu tư vào công ty này.
SoftBank từng hứa hẹn hỗ trợ "không giới hạn" cho start up công nghệ Grab. (Ảnh: Entrackr).
Những thông tin trên đã làm cho tình hình kinh doanh của Grab tại thị trường Đông Nam Á có thể trở nên khó khăn hơn, với việc sức ép cạnh tranh ngày một lớn đến từ các đối thủ trong khu vực. Vừa qua, nhà đồng sáng lập Gojek – đối thủ lớn nhất của Grab tại Indonesia, đã rời công ty để gia nhập nội các của Tổng thống Joko Widodo.
"Chúng tôi tin rằng Chính phủ Indonesia sẽ công bằng, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người, bởi điều đó cũng sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho họ", Tan Hooi Ling, đồng sáng lập của Grab nói với Nikkei.
Mặc dù vậy, việc người đồng sáng lập Gojek trở thành Bộ trưởng trong Chính phủ mới cũng khiến Grab không khỏi lo lắng. "Điều này chứng tỏ Gojek rất được coi trọng ở Indonesia", một nhà đầu tư mạo hiểm người Singapore cho biết.
Giữa những thay đổi này, Grab đã điều chỉnh chiến lược của mình để phát triển các hoạt động có khả năng kí quỹ cao hơn, đặc biệt trong việc cung cấp thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Vào ngày 30/10, Grab đã ra mắt một công ty mới, với tên gọi là GrabFood Signature ở Indonesia. Trong đó Grab bắt tay với 60 đối tác nhà hàng để xây dựng một thực đơn độc quyền, chỉ có trên ứng dụng Grab.
Theo tính toán, menu độc quyền sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho Grab so với các menu thông thường. Đổi lại, Grab cung cấp cho các nhà hàng này những thông tin về dữ liệu người dùng, và xu hướng tiêu dùng để phát triển thực đơn.
GrabFood – hướng đi mới của gã khổng lồ gọi xe (Ảnh: The Star).
Grab đã bắt đầu mảng kinh doanh giao hàng thực phẩm vào năm 2016, hoạt động tại các thị trường Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Gần đây, Grab tuyên bố ứng dụng giao đồ ăn của họ được sử dụng thường xuyên nhất ở tất cả các quốc gia này trong quý vừa qua.
"Giao đồ ăn sẽ giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được lợi nhuận", Lim Kell Jay, người đứng đầu bộ phận giao hàng thực phẩm của Grab cho biết.
Khi gọi xe, Grab mất khoảng 20% giá vé, thì mức kí quỹ có thể lên tới 30% hoặc nhiều hơn trong việc giao đồ ăn.
Grab cũng đang đánh giá khả năng tiến vào các thị trường mới, như Myanmar và Campuchia, nơi chưa có dịch vụ giao đồ ăn. Hiện tại, hàng hóa thực phẩm chiếm khoảng 20% tổng giá trị hàng hóa của Grab, nhưng dự kiến "lượng đồ ăn đặt qua Grab trong tương lai có thể vượt qua cả số lượng đặt xe", Lim nói.
Joongshik Wang, đối tác của Ernst & Young Corporate Finance tại Singapore, cho biết: "Với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng và thời gian làm việc nhiều hơn ở Đông Nam Á, các dịch vụ gọi đồ ăn chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới".
Euromonitor International cho biết quy mô thị trường dịch vụ thực phẩm trực tuyến của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 3,4 tỉ USD trong năm nay, tăng 30% so với năm 2018. Và cơ hội vẫn còn rất nhiều cho các nhà đầu tư, cũng như các công ty khởi nghiệp.
Nhưng những sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường cũng là một thách thức không nhỏ đối với Grab. Jeffrey Funk, cố vấn công nghệ độc lập, và cựu phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: "Chưa chắc GrabFood sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho Grab".
Grab cũng đang đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng số một trong khu vực, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau chỉ trên một ứng dụng duy nhất. (Ảnh: CNBC).
Grab cũng đang đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng số một trong khu vực, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau chỉ trên một ứng dụng duy nhất.
Tháng trước, Grab đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ telehealth, chuyên tư vấn y tế thông qua việc kết nối ứng dụng với các bác sĩ ở Indonesia, sau hơn một năm nghiên cứu. Đến nay, dự định triển khai dịch vụ này ở một số quốc gia trong quý đầu tiên của năm 2019 vẫn chưa thực hiện được.
Giám đốc điều hành Halodoc, một ứng dụng chăm sóc sức khỏe tương tự như Grab tại Indonesia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, rằng lĩnh vực này đòi hỏi rất nhiều các yếu tố địa phương, quan hệ với chính quyền và thay đổi nhận thức cộng đồng.
"Nó rất khác so với việc bạn chỉ là một doanh nghiệp thương mại điện tử thông thường hoặc chỉ là một dịch vụ gọi xe đơn thuần", vị CEO này cho biết.
"Chúng tôi có lợi nhuận trong một số dịch vụ kinh doanh. Một số khác thì chưa, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy rất rõ tương lai của nó", phát ngôn viên của Grab khẳng định.