Việc giáo viên mầm non đánh/ phạt trẻ luôn là đề tài nhạy cảm. Phản ứng chung của các bậc phụ huynh khi biết con bị cô giáo đánh chắc chắn là tức giận và đổ lỗi, trách cứ cô giáo. Là người nghiên cứu về Tâm lý học giáo dục, cũng có thời gian đứng lớp dạy trẻ và làm việc cùng các giáo viên mầm non (GVMN), anh Nguyễn Minh Thành gợi ý hướng tiếp cận mới, đa diện hơn về vấn đề này.
Anh Nguyễn Minh Thành hiện là nghiên cứu sinh Thạc sỹ ngành Tâm lý học giáo dục và Phát triển tại Trung Quốc. |
Theo anh, chính “giáo viên mầm non cũng có những tổn thương cần được chữa lành” và sự kết nối tích cực giữa phụ huynh với giáo viên của con em mình có thể giảm nguy cơ giáo viên đánh phạt trẻ. Cùng trò chuyện với anh để hiểu và đồng cảm hơn với những áp lực mà một GVMN phải chịu khi đứng lớp dạy trẻ.
- Việc GVMN đánh/ phạt trẻ, dưới góc độ phụ huynh, sẽ thấy đó hoàn toàn là lỗi của cô giáo. Nhưng còn anh, dưới góc độ của người từng đứng lớp dạy trẻ, và cũng có kinh nghiệm làm việc cùng các GVMN, anh nghĩ sao về việc này?
Hầu hết chúng ta đều chia sẻ quan điểm rằng: Việc GVMN dùng bạo lực với trẻ bao gồm cả bạo lực thân thể và tinh thần đều là hành động không thể chấp nhận được, và trách nhiệm trước hết thuộc về người giáo viên.
Mình không phản đối điều này tuy nhiên để giải quyết tận gốc vấn đề nan giải này chúng ta cần một cách tiếp cận đa chiều hơn. Trong Tâm lý học tích cực đã từng có những đề tài khoa học nghiên cứu về chủ đề: Can thiệp tâm lý cho giáo viên mầm non thông qua hình thức tham vấn dựa trên bằng chứng như một cách tiếp cận gián tiếp nhằm giảm thiểu bạo lực học đường; hoặc: Giảng dạy kỹ năng quản lý hành vi trẻ em tích cực cho giáo viên, gián tiếp giảm thiểu việc sử dụng bạo lực trong lớp học…..
Những nhà nghiên cứu này đã mở ra một cách tiếp cận mới vừa chứng minh tính hiệu quả trong thực tế là đã giảm thiểu việc giáo viên sử dụng các hình phạt tiêu cực lên học sinh của mình lại vừa nâng cao năng lực giáo dục cho giáo viên.
Bản thân mình cho rằng, GVMN của chúng ta hiện nay cũng đang mang trong mình những tổn thương cần được chữa lành. Đó có thể là áp lực công việc; hạn chế trong năng lực chuyên môn; hoặc thậm chí là những uẩn ức trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè… do không biết cách tìm đến sự giải toả thích đáng nên thật đáng tiếc phải nói rằng: Trẻ của chúng ta đã phải gánh chịu tất cả.
Có một câu nói rằng “Một giáo viên hạnh phúc mới có khả năng tạo ra những em bé hạnh phúc”.
"Một giáo viên hạnh phúc mới có khả năng tạo ra những em bé hạnh phúc”. |
- Những áp lực của GVMN khi nuôi dạy trẻ cụ thể là gì? Dường như ít ai nhắc đến hay quan tâm đến những áp lực của các cô, theo anh lý do là từ đâu?
Trong hơn 5 năm đi dạy, mình trực tiếp làm việc cả trăm cô giáo và cùng họ trải qua những thăng trầm nghề nghiệp, những giây phút anh chị em chia sẻ với nhau bao câu chuyện mà chúng tôi gọi vui là “Sau ánh hào quang”.
Thực ra khi đến với nghề, chúng ta cần có một tâm thế sẵn sàng cho nó. Tuy nhiên, nói là vậy nhưng không hề dễ để hiện thực hoá. Chúng ta có thể phân tích một vài khía cạnh như sau.
Thứ nhất: Theo quy định hiện nay, một giáo viên tốt nghiệp trung cấp mầm non, khi các em 19, 20 tuổi là hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để trở thành người giáo viên đứng lớp. Bạn thử nghĩ xem, với độ tuổi đó và trình độ đó có thể ngay lập tức đảm đương một lớp học với khoảng vài chục học sinh đang độ tuổi 3 – 5 được không? Đó là còn chưa kể việc các trường tư nhận giáo viên từ các ngành nghề khác không hề liên quan tới sư phạm vào giảng dạy mà không trải qua quá trình đào tạo lại (Ngoại trừ 1 số trường có công tác đào tạo rất tốt sau khi tuyển giáo viên thì các cô trái ngành lại thể hiện ưu điểm rất lớn khi đứng lớp).
Thứ hai: Hiện nay tại một số trường công lập lớp, lượng học sinh trong 1 lớp là rất đông. Mình từng biết một số trường có sĩ số các cháu lớp nhỡ lên tới 50 thậm chí 60 cháu/ lớp/ 2 cô. Trong khi đó các cô phải đảm đương tất cả các công việc từ dạy học; chăm sóc trẻ ăn uống, vệ sinh, giữ an toàn cho trẻ; trang trí lớp học v..v… Đó là một áp lực quá lớn cho các bạn giáo viên của chúng ta.
Việc lắp camera ngoài những tác dụng trong việc thoả nỗi nhớ con, nắm được lịch trình sinh hoạt của trẻ ở lớp học… thì đã phát sinh thêm một chức năng mới đó là: Giám sát các cô giáo. |
Thứ ba: Nhiều lúc mình cùng các đồng nghiệp tự hỏi nhau rằng: Hình như hệ thống giáo dục của chúng ta đang bỏ qua cấp mầm non? Sự hỗ trợ dành cho các cô và các con đang được dồn đi đâu hết rồi? Chương trình bao nhiêu năm hầu như vẫn dậm chân tại chỗ như vậy, việc đào tạo trong các trường Cao đẳng/ Đại học những tồn tại cũng vẫn như vậy? Rồi các cô thực yêu nghề, muốn học hỏi thì ai sẽ về đào tạo họ? ngoài phòng giáo dục mỗi tháng đi kiểm tra dặn dò hoặc mỗi năm vài lần đi " trao đổi kinh nghiệm" với nhau mà ai cũng biết rõ nội dung, chất lượng như thế nào?
Thứ tư: Chúng ta phải thừa nhận rằng, hiện nay mối quan hệ Gia đình – Nhà trường đang ngày càng rạn nứt. Cha mẹ không còn tin tưởng ở các GVMN, việc lắp camera ngoài những tác dụng trong việc thoả nỗi nhớ con, nắm được lịch trình sinh hoạt của trẻ ở lớp học… thì đã phát sinh thêm một chức năng mới đó là: Giám sát các cô giáo.
Mình có một phụ huynh đã từng là học viên cũ trong lớp đào tạo về Làm cha mẹ tích cực (Quản lý hành vi trẻ em) chia sẻ rằng: “ Chị ở cơ quan cứ 10 phút phải mở camera xem 1 lần coi cô giáo có đánh con không? Cô có lấy thức ăn của cháu không?”, thêm vào đó thời gian gần đây báo chí ồ ạt đưa tin việc GVMN bạo hành trẻ em lại càng làm cho cha mẹ mất niềm tin sâu sắc hơn ở cô giáo của chính con mình. Phải chăng chúng ta đã bỏ qua quá nhiều tấm gương yêu nghề, mến thương trẻ và vô tình reo rắc vào một số bậc cha mẹ lối tư duy tiêu cực này?
Từ việc cha mẹ không tin cô giáo, thì cô giáo cũng lại “phản kháng” lại bằng cách làm việc chống đối. Tức là “giáo dục lấy camera làm trọng tâm” và chăm trẻ trong sự nơm nớp lo sợ. Cô không còn thoải mái trong chính lớp học của mình, và dần dần sự giả tạo ấy cũng cuốn đi mất nhiệt huyết làm nghề năm nào mới bước chân vào lớp của các em!
Có một thực tế dù buồn vẫn phải thừa nhận như thế này: Đời sống kinh tế xã hội vội vã dường như đã cuốn mất đi nhiều giá trị gia đình thiêng liêng của chúng ta. Việc làm cha mẹ bây giờ được nhường, san sẻ hơi quá đà cho các GVMN, bảo mẫu hoặc ông bà…. Thời gian trẻ ở với cô còn nhiều hơn ở với bố mẹ. Chúng ta giao phó con cho cô giáo nhưng lại ít quan tâm tới việc làm thế nào để cùng cô đưa ra những phương cách giáo dục hiệu quả và hạnh phúc với đứa trẻ? Và kết quả là khi có chuyện sảy ra nghiễm nhiên mọi trách nhiệm đều thuộc về nhà trường và giáo viên.
Thời gian trẻ ở với cô còn nhiều hơn ở với bố mẹ. Chúng ta giao phó con cho cô giáo nhưng lại ít quan tâm tới việc làm thế nào để cùng cô đưa ra những phương cách giáo dục hiệu quả và hạnh phúc với đứa trẻ? |
- Bố mẹ có thể thay đổi cách tương tác với cô giáo như thế nào, để hạn chế tối thiểu việc cảm xúc tiêu cực của cô ảnh hưởng đến con em mình?
Mình từng hỏi Giáo sư hướng dẫn của mình một câu rằng “Liệu một can thiệp đồng cảm để kết nối – phát triển mối quan hệ tích cực giữa Giáo viên và Phụ huynh có thể nâng cao kết quả học tập cho trẻ em mầm non và giảm bớt nguy cơ giáo viên sử dụng bạo lực với trẻ hay không?”
Câu trả lời của Thầy chính là dự án mà hiện nay chúng mình đang và sẽ làm tiếp tục trong tương lai đó là dịch thuật và phổ biến 1 số kiến thức về Tâm lý học tích cực; Giáo dục tích cực; Làm cha mẹ tích cực… tới các cha mẹ và giáo viên chúng ta.
Trong này có một vài nội dung rất gợi cảm hứng và có thể là câu trả lời cho câu hỏi của bạn đó là: Một số nghiên cứu trong Tâm lý học chỉ ra rằng: Các can thiệp tâm lý cho Giáo viên mầm non bằng các phương pháp như: Chánh niệm; Tham vấn dựa trên bằng chứng; Trị liệu thấu cảm; Can thiệp dựa trên điểm mạnh… đã ảnh hưởng tích cực lên việc giảm về tần suất giáo viên sử dụng hình phạt tiêu cực đối với học sinh.
Phụ huynh nên tạo được sự kết nối tích cực với giáo viên của con em mình. |
Đối với phụ huynh, từ những gợi ý trên chúng ta có thể nhận ra rằng: Chúng ta nên tạo được sự kết nối tích cực với giáo viên của con em mình, cùng họ chia sẻ những câu chuyện về chính đứa trẻ rằng: Con thích điều gì; Ở nhà con đã đáng yêu ra sao; Điểm mạnh của con là gì v..v.. cùng cô giáo tìm ra những phương pháp giáo dục tối ưu nhất cho con em mình. Thêm nữa, chúng ta hãy cố gắng xây dựng cho trẻ tình yêu và niềm tin với người giáo viên của con, tình yêu của con trẻ hoàn toàn có thể lan tỏa tới người lớn.
Cuối cùng, nếu có thể hãy nán lại một vài phút sau khi đón con để trò chuyện cùng cô giáo; hãy giữ liên lạc với cô, hãy dành cho nhau những sự quan tâm tinh tế và hạy đặt bản thân chúng ta vào chiếc ghế của người đối diện để hiểu được những cảm giác, trách nhiệm và cả những thiếu sót mà họ đang mang. Từ đó chúng ta cũng hoàn toàn có thể giúp đỡ giáo viên của con mình trở thành một nhà giáo hạnh phúc hơn, an lạc hơn.
Tôi không cho rằng bạo lực là con đường tốt đẹp nhất để dẹp tan bạo lực.
- Các con cần được bênh vực, tất nhiên, nhưng các cô cũng cần được bệnh vực, anh nghĩ sao về điều này, trong trường hợp nào chúng ta cần thông cảm, đứng về phía các cô và hiểu các cô?
Thật ra mình nghĩ dùng từ “ bênh vực” nghe không được hợp lý cho lắm. Chúng ta có thể dùng từ hỗ trợ và đồng cảm. Riêng với trẻ, chúng ta cần phải có những thiết chế, quy định, chương trình đào tạo Kỹ năng sống để bảo vệ con khỏi những hành vi bạo lực học đường không những từ giáo viên mà còn từ bạn bè hoặc chính bản thân con.
Còn đối với giáo viên, chúng ta nên tiếp cận ở hướng hỗ trợ và đồng hành cùng các thầy, cô trong công tác dưỡng dục trẻ. Khi cô có hành vi bạo hành trẻ, lẽ dĩ nhiên cô đã vi phạm nguyên tắc đạo đức và chuyên môn trong hành nghề giáo, điều đó phải khẳng định rằng cô đã sai. Tuy nhiên, sự đồng cảm ở đây là gì?
Đó là việc chúng ta nên đi tìm nguyên nhân đứng sau hành vi của cô đã dùng với trẻ. Mô hình ABC hoàn toàn có thể dùng để phân tích hành vi của giáo viên sau hành vi bạo hành.
Như mình đã phân tích ở câu hỏi phía trên. Nếu chúng ta phát hiện ra nguyên nhân đứng sau việc cô giáo dùng hình phạt tiêu cực với trẻ đến từ việc thiếu kỹ năng chuyên môn thì việc cần kíp sau công tác kỷ luật giáo viên đó là bồi dưỡng lại năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên, đưa vào các nội dung Huấn luyện sử dụng Kỷ luật tích cực, Quản lý hành vi tích cực… trong lớp học để giảm thiểu tần suất sử dụng bạo lực với học sinh.
Còn nếu nguyên nhân là đến từ việc cô gặp áp lực, trục trặc trong đời sống cá nhân mà những dồn nén đó làm cô bộc phát cơ chế “dịch chuyển” hành vi tiêu cực sang trẻ thì chúng ta lại cần tới công tác tham vấn và trị liệu tâm lý cho chính cá nhân giáo viên đó.
Tất nhiên, đối với những hành vi giáo viên bạo hành trẻ là bộc phát thì chúng ta có thể can thiệp sau kỷ luật, nhưng cũng không loại trừ có những Giáo viên với tính khí nóng nảy hoặc sự méo mó trong nhân cách hay nhận thức mà có hành vi bạo lực trẻ thường xuyên, gia tằng về mức độ tàn nhẫn và tần suất thực hiện thì tốt nhất là nên mời cô tìm 1 công việc khác thích hợp hơn.
"Việc đồng cảm với giáo viên không có nghĩa là bỏ qua hành động sai trái mà đó là chúng ta cho cô một cơ hội thứ 2 (nếu có thể)". |
Việc đồng cảm với giáo viên không có nghĩa là bỏ qua hành động sai trái mà đó là chúng ta cho cô một cơ hội thứ 2 (nếu có thể) và có những tác động hỗ trợ cô giáo để nuôi dưỡng những hành vi tích cực hơn. Cũng không nên vội vàng kết luận hay dè bỉu nhân cách của người giáo viên một cách quá vội vàng chỉ thông qua 1 vài hành vi của họ.
- Anh có “bí kíp” gì chia sẻ với các cô để đỡ áp lực khi ngày ngày tiếp xúc, dạy dỗ trẻ nhỏ không?
Ngày còn trực tiếp đứng lớp, nói thật có những khi mình cực kỳ stress và căng thẳng. Tuy nhiên mỗi buổi sáng trước khi đi dạy học mình luôn nhắc lại với bản thân rằng: “Những đứa trẻ mà chúng ta dạy ngày hôm nay, ngày mai trẻ sẽ có thể là bạn, hàng xóm tốt của con mình hoặc thậm chí là vợ là chồng của con mình. Tuy nhiên trẻ cũng có thể là kẻ sát nhân xả súng vào chính cơ quan của con mình, hoặc là 1 người cực đoan ở đâu đó ngay bên cạnh con mình. Tất cả điều này có sự đóng góp, ảnh hưởng của việc mình giáo dưỡng trẻ ở ngày hôm nay”.
Là 1 người giáo viên, nhất là ở cấp mầm non khi mà sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng rất lớn bởi người giáo viên, chúng ta phải là những người hành nghề có tự trọng nghề nghiệp. Thể hiện ở những điều gì?
Thứ nhất: Phải luôn luôn trau dồi kiến thức về Tâm lý học, Giáo dục học, Xã hội học…. tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp của các chuyên gia uy tín. Tìm đọc các tài liệu chuyên ngành để trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, trở thành những người giáo viên yêu nghề, giỏi kiến thức và vững kỹ năng.
"Giáo viên nên thiết lập cho mình 1 vòng tròn quan hệ bền vững và yêu thương với những người xung quanh mình (bạn bè, gia đình, người yêu..)". |
Thứ hai: Giáo viên nên thiết lập cho mình 1 vòng tròn quan hệ bền vững và yêu thương với những người xung quanh mình (bạn bè, gia đình, người yêu..). Điều này sẽ rất có ích khi các bạn muốn tìm tới sự chia sẻ, giúp đỡ khi xuất hiện khủng hoảng để cảm xúc cá nhân của các bạn không hoặc hạn chế nhất ảnh hưởng tới công tác giáo dưỡng trẻ nhỏ. Cùng với đó, các bạn nên chăm lo cho cuộc sống cá nhân của mình thật phong phú và hạnh phúc với những sở thích riêng, không gian riêng…. sau giờ dạy. Xin nhắc lại rằng: “Thầy cô hạnh phúc sẽ tạo ra những em bé hạnh phúc”.
Thứ ba: Bình tĩnh và lắng nghe nhiều nhất có thể. Chúng ta phải chấp nhận một thức tế rằng: Con người không ai hoàn hảo mọi lúc mọi nơi, trẻ cũng vậy, sẽ có những lúc con phát sinh những hành vi không mong đợi. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là bằng mọi cách dập tắt hành vi của con vì đứng sau hành vi luôn là 1 nhu cầu chính đáng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải tìm ra nguyên nhân tại sao con làm như vậy? Làm thế nào để chúng ta có thể trợ giúp con? Chúng ta có thể dạy trẻ 1 hành vi thay thế nào để con vừa có thể đạt được mục đích của mình một cách dễ dàng hơn mà lại không vi phạm nguyên tắc lớp học?
"Nếu em cảm thấy mình bực bội quá rồi, sắp không kiểm soát được lời nói và chân tay. Em hãy giao lớp lại cho cô khác và đi ra ngoài vài phút". |
Các bạn cũng phải bình tĩnh điều chỉnh chính cảm xúc, thái độ của bản thân bạn khi đối mặt với hạnh vi của trẻ. Không thể dùng bạo lực giải quyết bạo lực hay trẻ nóng lên thì cô cũng nóng lên, lúc đó nguy cơ cao là sẽ phát sinh hành vi bạo hành.
Mình hay khuyên giáo viên rằng: “Nếu em cảm thấy mình bực bội quá rồi, sắp không kiểm soát được lời nói và chân tay. Em hãy giao lớp lại cho cô khác và đi ra ngoài vài phút. Hãy vặn vòi nước xoa đều lên mặt, hai cánh tay, hoặc ghi hết cảm xúc của mình vào cuốn sổ của em”. Giáo viên cũng cần có “ Time – out” để giúp bản thân mình bình tĩnh trở lại. Khi chúng ta nóng giận não bộ sẽ không thể xử lý hành vi theo hướng lý trí được nữa.
Thứ 4: Hãy lập 1 cuốn sổ kinh nghiệm giảng dạy hay Nhật ký giảng dạy trong đó các em chịu khó ghi chép lại hết những case study mà mình đã giải quyết được 1 cách vui vẻ, tích cực trên lớp với trẻ hoặc mình được chứng kiến đồng nghiệp thực hiện. Cuốn sổ này sẽ là vạch chỉ đường cho các em trong công tác giáo dưỡng trẻ, hay khi các em cần tìm 1 sự trợ giúp để giải quyết tình huống phát sinh trong giảng dạy. Mỗi tháng 1 lần, các cô sẽ ngồi lại với nhau, trao đổi nhật ký kinh nghiệm, đó là cách học rất hay mà hiệu quá
Mình thực sự mong muốn trong thời gian tới sẽ có những cách tiếp cận đa diện hơn trong vấn đề này để chúng ta ngày càng chứng kiến ít hơn cảnh cô giáo dùng vũ lực với trẻ nhỏ. Để câu nói “ Mỗi ngày tới trường là 1 ngày vui” thực sự đi vào trong giáo dục trẻ em.