Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” có quy định rõ về những điều nên và không nên làm tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Ảnh: Đoàn Lê |
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VH&TT) vừa có thông báo về việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn về dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, dự thảo có 3 chương, 14 điều bao gồm quy tắc ứng xử nơi công cộng chung và cụ thể. Bộ quy tắc này có mục đình từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố thanh lịch, văn minh.
Khác với bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Hà Nội, bộ quy tắc này hướng hành vi, ứng xử của người dân theo hướng "nên làm và không nên làm" ở nơi công cộng.
Ví dụ, tại Chương II, Quy tắc ứng xử chung có quy định những điều nên làm như: Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng; Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái; Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Những điều không nên làm ở chương này gồm: Không vi phạm nội quy, quy tắc nơi công cộng; Không nói to, gây ồn ào, mất trật tự; Không kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; Không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; Không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; Không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định; Không tự tiện sử dụng không gian, phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định...
Chương III Quy tắc ứng xử ở một số nơi công cộng cụ thể đề cập đến vấn đề nên làm, không nên làm. Ví dụ, tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên làm là: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống. Những vấn đề không nên làm là: Không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan; không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân…
Đối tượng áp dụng của Quy tắc là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Đoàn Lê |
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh Bộ quy tắc và sẽ sớm ban hành.
Được biết, phạm vi áp dụng của Quy tắc là nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối tượng áp dụng của Quy tắc là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã ký Quyết định số 522/QĐ-UBND về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
Quyết định này có một số điểm đáng chú ý như cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội không được hút thuốc tại cơ quan, phòng làm việc; không sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc.