Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỉ đồng chạy từ Văn Cao đến Hòa Lạc

Tuyến đường sắt số 5 chạy từ Văn Cao đến Hòa Lạc (dài hơn 38 km) có tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỉ đồng.

Theo Dân trí, UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình số 151 gửi Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Theo tờ trình, thành phố kiến nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kì họp cuối năm nay.

Thành phố dự kiến khởi công dự án vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026 với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 65.404 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỉ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỉ đồng.

Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 đến 20.000 tỉ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỉ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỉ đồng  nối Văn Cao với Hòa Lạc  - Ảnh 1.

Mẫu đoàn tàu của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đưa từ Pháp về Việt Nam. (Ảnh: Dân trí).

Tuyến metro số 5 đi qua 7 quận huyện, bao gồm Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất. Tuyến đường sắt đô thị này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám.

Tuyến đi ngầm 2 ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của dải phân cách Đại lộ Thăng Long.

Tại các vị trí giao với đường Lê Quang Đạo, đường sắt quốc gia vành đai phía Tây, nút giao Hòa Lạc tuyến được bố trí đi trên cao cục bộ để vượt qua các nút giao này.

Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình) tuyến đi trên mặt đất vào giải phân cách giữa của tuyến đường bộ cao tốc qui hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tuyến đường sẽ có 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất và 1 ga trên cao. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha. 

Thành phố Hà Nội dự kiến toàn tuyến sẽ khai thác khoảng 25 đến 40 đoàn tàu gồm 4 đến 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Theo Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km, cụ thể:

Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 km;

Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A;

Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai, chiều dài khoảng 21 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km;

Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.

Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc, chiều dài khoảng 34,5 km.

Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội, chiều dài khoảng 43 km.

Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội, chiều dài khoảng 35 km.

Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá, chiều dài khoảng 28 km.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.