Hà Nội đề xuất xây dựng thêm 5 cầu vượt sông Hồng và sông Đà

Sở GTVT TP Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận, một cầu qua sông Đà (cầu Tu Vũ) để kết nối Hà Nội -Phú Thọ.

Cầu Vĩnh Tuy - một trong những cây cầu vượt sông Hồng tại Hà Nội hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ trang TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải vừa qua đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và TP Hà Nội cho điều chỉnh, bổ sung 34 tuyến đường đối ngoại, đường đô thị và 5 cầu vượt sông Hồng, sông Đà.

Cụ thể, sau khi rà soát, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm 22 tuyến đường bộ đối ngoại, trên cơ sở kéo dài một số tuyến hiện có kết hợp bổ sung một số tuyến mới, để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận.

Trong đó có 5 tuyến kết nối với tỉnh Hoà Bình; một tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ, ba tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; hai tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang; 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh; 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên; hai tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam.

Đặc biệt, để phù hợp với định hướng phát triển đô thị dọc theo hai bờ sông Hồng, một số trục dọc hai bên sông được đề xuất kéo dài, kết nối tới Hưng Yên và Hà Nam.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất mạng lưới đường ngoài đô thị sẽ được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển mới.

Trong đó, trọng tâm điều chỉnh các trục kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và một số trục nối với Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, đảm bảo có hai đường cao tốc và hai tuyến đường trục.

Theo đó, Hà Nội cần điều chỉnh, bổ sung 7 tuyến đường ngoài đô thị gồm: 1 tuyến kết nối Cảng hàng không Nội Bài; một tuyến kết nối cảng hàng không thứ hai (dự kiến nằm tại khu vực phía Nam Thành phố); 4 tuyến kết nối với các tỉnh lân cận; một tuyến có tính chất kéo dài để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với đường ngoài đô thị, Hà Nội cũng cần điều chỉnh, bổ sung 5 tuyến đường trục chính đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, tối ưu kết nối giữa các vành đai lớn, sân bay và đường sắt đô thị.

Theo đó, các tuyến đề xuất gồm cao tốc trên cao dọc theo trục kinh tế phía Nam, đoạn bên trong vành đai 4; đường trên cao dọc trục Nhật Tân - Nội Bài; đoạn tuyến kết nối đường vành đai 3,5 đến sân bay Nội Bài; cầu trên tuyến đường từ vành đai 2,5 sang Đông Anh, kết hợp với tuyến đường sắt đô thị số 2; cầu và tuyến đường kết nối Bắc Hồng theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để phân bổ hợp lý mạng lưới đường phía Tả Hồng.

Bên cạnh đó, Thủ đô hiện có 18 cầu vượt sông Hồng, song với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa.

Chính vì vậy, Sở GTVT đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Cụ thể gồm cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường tây bắc – quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội - Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối Tả, Hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh.

Ngoài ra, cần bổ sung một cầu qua sông Đà (cầu Tu Vũ) để kết nối Hà Nội với tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh các cầu/hầm đã xác định cụ thể, trong quy hoạch sẽ cần định hướng mở linh hoạt và căn cứ trên nhu cầu thực tế để bổ sung thêm một số cầu/hầm qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy.

chọn
[Photostory] Tuyến Vành đai 3 đang xây dựng qua TP Thuận An
Tuyến vành đai 3 TP HCM đi qua TP Thuận An có chiều dài khoảng 8 km, qua các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Thạnh và xã An Sơn.