Theo đề cương đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới" (đề án thu phí), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự kiến thu phí đối với ôtô từ ngoài đi vào bên trong đường vành đai 3.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, vành đai 3 có hơn 80% số điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Đường vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển) luôn có mật độ giao thông cao. (Ảnh: Ngọc Thành).
Theo nội dung đề cương, việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ được cân nhắc và quyết định dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông như: mạng lưới đường, điểm đỗ xe; mạng lưới vận tải hành khách công cộng; phân tích kết quả khảo sát lưu lượng giao thông dựa trên cuộc khảo sát phương tiện đi lại trên 10 mặt cắt của các trục đường chính ra/vào trung tâm thành phố và các tuyến đường vành đai (vành đai 3).
Đường vành đai 3 dài khoảng 65 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên và huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm.
Cơ quan xây dựng đề án thu phí cũng sẽ tiến hành phỏng vấn 150 lái xe ôtô cá nhân và 350 hành khách nhằm xác định các điểm đi lại, đặc điểm kinh tế, xã hội và tìm hiểu nhận xét của người sử dụng phương tiện về dịch vụ thu phí.
Từ kết quả đánh giá trên, Sở Giao thông Vận tải sẽ đề xuất công nghệ thu phí; phương án tổ chức giao thông khu vực vành đai thu phí và mức phí.
Để xây dựng đề án thu phí, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng tham khảo mô hình của một số nước áp dụng giải pháp thu phí phương tiện vào trung tâm và đã thành công. Ví dụ, Singapore khi áp dụng hệ thống thu phí, tỷ lệ hành khách sử dụng phương tiện công cộng tăng 1,5 lần (từ 46% năm 1975 lên 67% năm 1998); vận tốc lưu thông tăng gấp 1,7 lần; London (Anh) khi hệ thống thu phí được triển khai vào đầu năm 2003 lưu lượng phương tiện cá nhân giảm 25%...
Theo lộ trình, trong hai năm (2019, 2020) đề án thu phí ôtô vào nội đô sẽ được xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt; giai đoạn 2020 đến 2030, căn cứ vào nội dung được duyệt, cơ quan chức năng sẽ triển khai đề án.
Nhận xét về kế hoạch thu phí ôtô vào nội đô, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đặt vấn đề, trong khi phương tiện công cộng không được cải thiện thì chủ trương này liệu có làm gia tăng số lượng xe máy hay không (vì người dân vẫn phải sử dụng xe cơ giới để đi lại), trong khi Hà Nội đã đưa ra đề án hạn chế phương tiện cá nhân, lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy ở các quận nội thành.
"Các nước thực hiện thành công việc thu phí vào nội đô vì họ giải quyết tốt vấn đề giao thông công cộng, phương tiện công cộng phải đáp ứng khoảng 50 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay ở Hà Nội, phương tiện công cộng mới đáp ứng trên 10%", ông Quyền nói.
Đồng quan điểm trên, nguyên Phó chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, hạn chế phương tiện vào nội thành là cần thiết, song theo kế hoạch "cuối năm 2019 trình và thông qua đề án, có thể triển khai ngay vào năm sau là nóng vội vì bối cảnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật còn yếu".
"Người dân có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà nước với việc đầu tư hạ tầng như thế nào, vì thực tế có nhiều quy hoạch liên quan đến giao thông chưa được thực hiện tốt", ông Liên nói thêm.
Hà Nội còn 27 điểm ùn tắc giao thông
Thống kê của UBND TP Hà Nội, những năm qua các điểm ùn tắc giao thông ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2016 có 41 điểm; năm 2017 có 37 điểm; năm 2018 có 33 điểm. Bảy tháng đầu năm 2019 số điểm ùn tắc tiếp tục giảm xuống còn 27 điểm.
Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu ôtô, chưa tính số ôtô vãng lai và xe của lực lượng công an, quân đội.