Sáng 3/10 cá tại Hồ Tây vẫn tiếp tục chết và nổi trắng mặt hồ với số lượng nhiều hơn 2 ngày qua. Các lực lượng bộ đội, công an, y tế... đã được huy động tham gia xử lí sự cố môi trường nghiêm trọng này.
|
Lượng cá chết sáng 3/10 nghiêm trọng hơn ngày 2/10. |
Trong buổi sáng nay tình trạng cá chết nổi trắng mặt hồ nghiêm trọng hơn ngày 2/10. Đáng nói là lượng cá lớn chết nhiều hơn, có những con nặng đến 6-7 kg, cá chép, cá mè, cá trê nặng 3-4 kg nhiều không xuể.
|
Rất nhiều con cá nặng tới 6 - 7 kg chết dạt vào bờ rất nhiều. |
Ghi nhận tại Hồ Tây sáng 3/10 có rất nhiều lực lượng cùng tham gia vớt cá để hạn chế tình trạng cá chết phân hủy làm ô nhiễm nguồn nước, lực lượng quân đội, công an, các nhân viên văn phòng tại quận Tây Hồ, lực lượng y tế, vệ sinh môi trường,.... tất cả đều đang cố gắng chung tay xử lí sự cố môi trường nghiêm trọng này.
Trên mặt hồ Tây hiện có khoảng 10 chiếc máy bơm tạo không khí giúp gia tăng lượng ôxy trong nước, cơ quan chức năng cho biết đang tiến hành lắp đặt thêm 10 máy nữa tại nhiều điểm trong hồ.
|
10 chiếc máy tạo ôxy được lắp đặt từ đêm qua. |
|
10 máy khác đang khẩn trương được lắp đặt. |
So với ngày hôm qua (2/10), thì sáng nay hiện tượng mùi hôi tanh nồng nặc và khó chịu hơn, ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người dân quanh hồ.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, đã huy động được khoảng hơn 600 người từ các đơn vị Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Y tế, thành đoàn Hà Nội,... và chia làm 3 ca trực và 4 tổ công tác để không bị chồng chéo nhau trong việc thu gom cá chết tại hồ Tây. Hiện nay 40 tổ chài của làng chài Đan Phượng đang trên đường đến để hỗ trợ công tác vớt cá.
|
Ông Đỗ Tuấn Anh chủ tịch UBND quận Tây Hồ luôn túc trực chỉ đạo công việc. |
Trước tình hình cá chết bất thường, thành phố cũng đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách.
Thứ nhất, huy động lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an, Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cùng nhiều đơn vị chức năng tập trung lực lượng, phương tiện để rà, vớt cá chết để đưa đi xử lý.
Thứ hai, giao Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thu gom, vận chuyển toàn bộ số cá chết đưa lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp, xử lý, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, giao Sở Y tế đưa lực lượng xuống hiện trường phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ.
Thứ tư, giao Công an chỉ đạo Phòng cảnh sát môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân.
Thứ năm, thực hiện lấy mẫu cá sống/chết đưa đi giám định nhằm xác định nguyên nhân cá chết và cá có bị nhiễm các chất độc hại hay không.
Thứ sáu, giao Sở Xây dựng bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ, tiến hành mua, bổ sung thêm máy đảm bảo tạo oxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu.
Thứ bảy, đồng thời với việc vớt cá, xử lý bằng các biện pháp trên, thành phố cũng sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C (loại chế phẩm mới được sử dụng làm sạch một số hồ trên địa bàn thành phố) nhằm nhanh chóng làm sạch nước hồ, khửi mù và tạo oxy tại các tầng nước sâu.
|
Lực lượng CSCĐ được tăng cường hỗ trợ. |
|
Thanh niên tình nguyện của Thành đoàn Hà Nội cùng tham gia công việc. |
|
Các cán bộ hành chính quân Tây Hồ cùng tham gia công tác vớt cá. |
|
Lực lượng dân phòng kết hợp với người dân. |
|
Công nhân Công ty thoát nước được huy động từ chiều qua. |
|
Nhiều người dân sống tại khu vực này cùng tham gia công tác vớt cá. |
|
Cá chết sẽ được gom vào các bao tải, túi ni lông để mang đi xử lý. |
|
Nhân viên vệ sinh môi trường, cùng bộ tư lệnh Thủ đô. |
|
Đến 10h sáng, xác dạt vào bờ ngày càng nhiều. |