Mục đích nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh; hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở và chấn chỉnh việc chấp hành quy định pháp luật của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế; yêu cầu nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khắc phục tồn tại (nếu có).
Qua kiểm tra, trường hợp có phát hiện sai phạm sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định; đồng thời, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội yêu cầu việc kiểm tra phải được thực hiện thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra với các ngành, đơn vị đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023; kịp thời, khách quan, chính xác và nghiêm minh, không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình kiểm tra.
Hoạt động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nội dung kiểm tra bao gồm: tiến độ góp vốn điều lệ, giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành, lĩnh vực có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư đã thực hiện và tỷ lệ so với tổng vốn đầu tư đăng ký; tiến độ triển khai dự án; thực hiện mục tiêu đầu tư của dự án; cam kết và đáp ứng điều kiện về đầu tư, tiếp cận thị trường, hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.
Cùng đó là việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối và quy định pháp luật liên quan; việc chấp hành quy định về điều kiện giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo, thống kê theo quy định; chấp hành biện pháp xử lý vi phạm đã phát hiện; thực hiện nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra 81 dự án, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có 64 dự án và 17 tổ chức kinh tế. Thời gian kiểm tra từ quý II đến quý IV/2023.
Đáng chú ý, trong danh sách các dự án này có nhiều dự án bất động sản lớn. Đơn cử như: Keangnam Hanoi Landmark Tower của nhà đầu tư Hàn Quốc - Công ty TNHH MTV AON VINA; Khu phức hợp Giảng Võ của Công ty TNHH Pacific Thăng Long; Khách sạn Grand Plaza Hà Nội của Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội; Khu dịch vụ và nhà ở thấp tầng Noble tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) của nhà đầu tư Hàn Quốc - Công ty TNHH Noble Việt Nam; HAEOREUM E&C (xây dựng nhà ở để bán) của nhà đầu tư Hàn Quốc - Công ty TNHH HAEOREUM E&C; Đầu tư và xây dựng HANIL (xây dựng nhà các loại), chủ đầu tư Hàn Quốc - Công ty Đầu tư và Xây dựng HANIL…
Ngoài ra, còn có 4 dự án sản xuất điện của nhà đầu tư Trung Quốc, thông qua doanh nghiệp đăng ký tại Singapore gồm: Thành lập Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng mới Krongbuk; Công ty TNHH Năng lượng gió KrongBuk; Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tái tạo Cư Né; Công ty TNHH Đầu tư và quản lý điện gió Cư Né.