Theo Quyết định ngày 6/7/2011 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", TP Hà Nội được định hướng trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững.
Hà Nội sẽ tiếp tục là tấm gương tiêu biểu cho cả nước, bảo đảm thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước.
Thủ đô Hà Nội sẽ là cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; quan hệ đối ngoại được mở rộng.
Tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ triển khai theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Theo quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Theo Hà Nội mới, việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ và nhà ở.
Đô thị trung tâm có bố trí trụ sở cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và thành phố.
Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc đến khu vực Mê Linh và Đông Anh, phía đông đến Gia Lâm và Long Biên.
Theo Tạp chí Kiến Trúc, các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm tải cho đô thị trung tâm một số chức năng hiện đã quá tải như: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…
Trên cơ sở hệ thống giao thông công cộng, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật, các đô thị vệ tinh sẽ được kết nối chặt chẽ với nhau và với đô thị trung tâm, vẫn đảm bảo khả năng hoạt động độc lập của các đô thị trong mạng lưới.
Thông tin báo Hà Nội mới, sự phát triển chuỗi đô thị vệ tinh (với tổng diện tích đất đai gần bằng với diện tích của đô thị trung tâm) trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tạo nền tảng để giãn 1,4 triệu dân (chiếm 15% dân số Thủ đô vào năm 2030).
Hà Nội sẽ có thêm 25.000ha đất phục vụ di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học trong nội đô, tạo điều kiện thuận lợi để thủ đô đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Việc kết nối các khu đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm, với các khu vực xung quanh cũng thúc đẩy việc phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể có thể kể đến là các dự án trọng điểm: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên...
Chia sẻ với Tạp chí Kiến trúc, TS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, các đô thị vệ tinh nằm trong vùng phụ cận của đô thị hạt nhân trung tâm vùng Thủ đô sẽ hỗ trợ phát triển các đô thị trung tâm (Hà Nội – Bắc Ninh – Vĩnh Phúc) hình thành vùng giao thoa phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Thế mạnh của các đô thị vệ tinh dự kiến phát triển: Chế biến nông nghiệp, thực phẩm (Phú Xuyên); tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (Xuân Mai); di tích lịch sử văn hóa (Sơn Tây)…
Ngoài ra, đô thị vệ tinh kết hợp với các tỉnh lân cận cũng hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Cụ thể như đô thị vệ tinh Phú Xuyên phát triển chế biến nông nghiệp, logistic, cảng sông góp phần hỗ trợ các tỉnh đã được xác định phát triển về giáo dục, y tế, dịch vụ phía Đông Nam của vùng là Hưng Yên – Hà Nam.
Các khu đô thị vệ tinh là động lực phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Cho tới khi hoàn thiện "giấc mơ" đô thị vệ tinh, Hà Nội cần có những bước đi bài bản và đồng bộ.