Hà Nội: Lo ngại con nhà nghèo không được học trường chất lượng cao

Nhiều ý kiến lo ngại việc Hà Nội tăng học phí các trường chất lượng cao sẽ khiến phân hóa xã hội, đồng thời đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo của các trường này.
ha noi lo ngai con nha ngheo khong duoc hoc truong chat luong cao
Trường Tiểu học Nam Từ Liêm được công nhận chất lượng cao. Ảnh: Báo Giao thông

Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Theo nghị quyết này, mức trần học phí mầm non, tiểu học chất lượng cao năm 2016 - 2017 là 3,9 triệu đồng, năm 2017 - 2018 là 4,3 triệu đồng; năm 2018 - 2019 là 4,7 triệu đồng và năm 2019 - 2020 là 5,1 triệu đồng/tháng. Ở các cấp THCS, THPT, học phí theo các năm lần lượt là 4,1 triệu đồng, 4,5 triệu đồng, 4,9 triệu đồng; 5,3 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Tăng học phí cũng tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên”.

Theo Giám đốc Sở GĐ-ĐT Hà Nội, việc tăng dần học phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong những năm đầu khi được công nhận CLC có mức thu học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh.

Theo nghị quyết trên, các trường chất lượng cao sẽ có mức học phí cao gấp 100 lần mức học phí các trường THCS, THPT công lập khác, hiện thu ở mức 40-50.000 đồng/ tháng (các trường tiểu học miễn phí học phí).

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Đoàn Văn Điều - Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM trả lời báo Đất Việt cho biết, ở tất cả các nước trên thế giới, thị phần dịch vụ giáo dục chất lượng cao thuộc về các trường tư, còn trường công đảm bảo chất lượng đại trà, đáp ứng chỗ học của đông đảo nhân dân thuộc tất cả các tầng lớp.

Theo ông Điều, những gia đình không thể chi trả mức học phí này (bằng 30-50% lương trung bình của một công chức thành phố) có thể bị “loại trừ” ra khỏi hệ thống trường công này, khiến phân hóa xã hội, có 2 đẳng cấp giàu - nghèo trong nhà trường.

“Như vậy, mô hình này vô tình tạo điều kiện cho một nhóm người có được ngân sách nhà nước đầu tư trường công lập để hưởng thụ một chất lượng giáo dục cao hơn”, PSG Điều nói.

PSG Điều cũng cho rằng, giáo viên thì vẫn do nhà nước đào tạo ra bằng tiền thuế của toàn bộ nhân dân, do dân đóng góp để được hưởng dịch vụ công trong giáo dục nhưng ở đây những người nghèo lại không được hưởng.

Ông Điều nhấn mạnh, giáo dục thuộc về đại chúng, không phải dành riêng cho người giỏi, người khá giả. “Việc người nghèo cũng đóng thuế mà cuối cùng lại đi phục vụ cho một số nhà giàu, như vậy là không công bằng, giáo dục của nhà nước, của nhân dân đóng góp không thể chỉ phục vụ cho một nhóm người”, ông Điều kết luận.

PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh hóm hỉnh trao đổi trên báo Giao thông: “Tôi chưa hiểu CLC là cao về cái gì nhưng xem ra thì cao về học phí là chắc chắn. Trường Lương Thế Vinh của tôi là trường tư thục, cũng chỉ thu học phí từ 1,5-1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với trường công lập CLC, nhà nước đã đầu tư hết cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy... mà sắp tới thu tới hơn 5 triệu đồng/tháng thì “tiêu” gì cho hết?”.

Ông Văn Như Cương cho biết rất ngạc nhiên về việc thu học phí các trường chất lượng cao này bởi thu nhập của đa phần người dân vẫn còn khó khăn, không đủ điều kiện cho con mình theo học các trường đó. Ông Cương cũng nhắc lại chủ trương của nền giáo dục nước ta đặt cao về chất lượng chứ không phải vì kinh doanh thu lợi nhuận.

Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cũng đặt vấn đề liệu thu phí cao gấp 100 lần vậy, chất lượng giảng dạy tại trường chất lượng cao có gấp 100 lần các trường khác không khi vẫn áp dụng cùng bộ sách giáo khoa, cùng tiêu chuẩn?

“Tiêu chí CLC phải rõ ràng, cụ thể theo chương trình học, nếu không thì trường nào cũng có thể tự xưng CLC để tăng nguồn thu”, PGS Văn Như Cương kiến nghị.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng cần phải minh bạch cả về thu chi lẫn chất lượng giảng dạy tại các trường chất lượng cao, và phải xét phù hợp với hoàn cảnh xã hội, để bất kể gia đình nào có nhu cầu cũng có thể cho con tham gia khi đã lập ra mô hình đào tạo chất lượng cao.

Hiện Hà Nội đã có 8 trường công lập được công nhận chất lượng cao và 4 trường khác đang trong quá trình thí điểm. 5 tiêu chí các trường CLC bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao.

Hiện tại học phí trường công chất lượng cao ở bậc mầm non trung bình 2,4 triệu đồng/tháng; tiểu học là 2,17 triệu đồng/tháng; THCS ở mức 2,4 triệu đồng/tháng; THPT ở mức 3,4 triệu đồng/tháng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.