Công an TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú tại công an cấp huyện và thực hiện công tác đăng ký cư trú tại công an cấp xã từ ngày hôm nay (1/7).
Theo đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo bộ phận tư pháp trong quá trình tiếp nhận hồ sơ liên thông trong công tác đăng ký khai sinh, khai tử, xóa đăng ký thường trú...
Đồng thời phải thông báo cho công dân biết về việc thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu theo quy định (tại Khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú năm 2020).
Từ ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mở và hoạt động trở lại. Các đơn vị tiếp tục thực hiện việc bảo đảm thông tin công dân theo chỉ đạo của Bộ Công an và Công an Hà Nội.
Ngày 1/7 là ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Và việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa.
Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn được sử dụng nữa.
Ngoài ra, cũng theo Luật Cư trú, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Như vậy, nếu mua nhà ở Hà Nội (có chỗ ở hợp pháp ở Hà Nội) thì sẽ có hộ khẩu tại Hà Nội nếu thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú theo quy định và nhà ở không thuộc các địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo Điều 23 Luật 2020. Ví dụ như chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép,…