Hà Nội rút 23 cơ sở ô nhiễm khỏi danh sách buộc di dời

Sau khi rà soát 113 cơ sở, nhà máy buộc phải di dời ở các quận nội thành, Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại, loại bỏ một số cơ sở. Đến nay, danh mục cơ sở sản xuất công nghiệp được đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở.
avatar_1573446089049

Nhà máy thuốc lá Thăng Long, 1 trong số các cơ cở buộc di dời khỏi nội đô

Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ tháng 9/2017, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc và UBND 12 quận rà soát từng cơ sở sản xuất phải di dời theo 3 nhóm: Nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; nhóm gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ; nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố còn chậm do doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng. Trên cơ sở đó, Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại, loại bỏ 32 cơ sở và bổ sung 9 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy đến nay, danh mục cơ sở sản xuất công nghiệp được đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở, trình UBND thành phố xem xét để trình HĐND thành phố thống nhất thông qua.

Tại hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành” diễn ra mới đây, các ý kiến đều cho rằng đây là vấn đề nóng, cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội nói chung và của Thành phố Hà Nội nói riêng. Đồng thời, các ý kiến nhấn mạnh, để việc xử lý di dời một cách đồng bộ, đảm bảo tính nhất quán, công bằng, đề nghị UBND Thành phố có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho di dời cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch của các bộ, ngành thuộc Trung ương đóng trên địa bàn 12 quận thuộc thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch nhiều hơn nữa, thỏa đáng hơn… Bài học từ vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy cần phân loại danh mục gây ô nhiễm môi trường để xác định yêu cầu cấp bách…

Trước đó, trong một báo cáo của UBND Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6, cơ quan này cho biết, theo kế hoạch vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 113 cơ sở chưa thể di dời ở quận Đống Đa (113), Ba Đình (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (16), Hoàn Kiếm (6), Hà Đông (29), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Xuân (9), Nam Từ Liêm (2), Hoàng Mai (11), Long Biên (17).

Trong danh sách nhà máy thuộc nhóm gây ô nhiễm môi trường của UBND Thành phố Hà Nội có Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp), Công ty Thuốc lá Thăng Long (Nguyễn Trãi).... Công ty Rạng Đông - nơi vừa xảy ra vụ cháy - không nằm trong nhóm này.

Sau 16 năm có chủ trương của Chính phủ, việc di dời các nhà máy tại Hà Nội có thể nói vẫn dậm chân tại chỗ.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.