Theo báo Hà Nội Mới đưa tin, dự kiến vào tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường Vành đai 4 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.
Nếu được thông qua và triển khai sớm, dự án trọng điểm này sẽ chấm dứt tình trạng phải nằm trên giấy của dự án Vành đai 4 trong suốt 9 năm qua.
Trước đó, tuyến đường Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 với quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020.
Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (56,5km, đi qua 7 quận, huyện), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).
Trong đó, các đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường Vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - cầu Giẽ theo hình thức PPP (đoạn tuyến từ QL.32 đến cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ thuộc đoạn tuyến này).
Đường Vành đai 4 là tuyến đường kết nối quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Thủ đô, gắn phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông đô thị và có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng Thủ đô.
Ngoài đường Vành đai 4, tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch đường Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh.
Đường Vành đai 5 chính tuyến đạt tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729-2012 có đường gom, đường song hành, quy mô 4¸ 6 làn xe.
Bề rộng nền đường tối thiểu 25,5 - 33 m cho các đoạn Sơn Tây - Phủ Lý (từ đường Hồ Chí Minh đến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) và Phủ Lý - Bắc Giang (từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn) thuộc địa phận thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và Bắc Giang.
Đến nay, Hà Nội cơ bản đã hoàn thành việc khép kín các tuyến đường Vành đai hiện có.
Đơn cử, tháng 10/2020, Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường Vành đai 3 Hà Nội, với chiều dài 5,367km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc được đưa vào khai thác. Cùng với các dự án đã hoàn thành trước đó, đoạn cầu cạn này góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3 của Thủ đô.
Trong khi tuyến Vành đai 3 đã cơ bản được khép kín thì đến nay, tuyến Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 2,5 trong khu vực nội đô thành phố cũng đã hoàn thành nhiều đoạn tuyến.
Cụ thể, Vành đai 1 đã hoàn thành một số đoạn như: Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Xã Đàn, Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái.
Với tuyến Vành đai 2 là đoạn từ Cầu Giấy kéo dài qua cầu Nhật Tân sang đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.
Nhiều đoạn của tuyến Vành đai 2,5 cũng đã được xây dựng, như đoạn qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, đoạn Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy, đoạn Công viên Cầu Giấy - Trung Kính và đoạn qua Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính…