Theo Dự thảo báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ Xây dựng, thời gian qua, thành phố đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh, đô thị xanh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô như VinHome Riverside, VinCity Ocean Park, VinCity Sportia, Gamuda… Thành phố cũng tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho những đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Cụ thể, theo dự thảo báo cáo, thành phố đã hoàn thành 19 dự án, đang triển khai 43 dự án với diện tích khoảng 4,04 triệu m2 sàn nhà ở.
5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45 ha cũng được thí điểm xây dựng, cung cấp thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở tại Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Đối với nhà chung cư cũ, thành phố đã tiến hành 5 đợt kiểm định, đánh giá phân loại được 378 nhà chung cư.
Một số nhà chung cư cũ như C1 Thành Công, B6 Giảng Võ và khu tập thể TƯ Đảng tại số 44 ngõ 260 Đội Cấn đã được hoàn thành cải tạo.
14 dự án khác đang được triển khai thủ tục cải tạo gồm: 26 Liễu Giai, quận Ba Đình; 30A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; 17 nhà gỗ phường Chương Dương (nhà cháy), quận Hoàn Kiếm; khu tập thể 03 tầng đường Lê Hồng Phong, quận Hà Đông; 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa; khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam - The Boulevard, số 22 phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội; nhà A & B Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; dự án Cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 (khu Nam Thành Công), số 93 Láng Hạ, Đống Đa; khu tập thể Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (các nhà từ A12 đến A15), quận Hai Bà Trưng; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ kết hợp hợp khối xây dựng công trình tại số 26-28-30-32 phố Láng Hạ, quận Đống Đa; khu tập thể Dịch vụ vận tải Đường Sắt, số 1 phố Định Công, quận Hoàng Mai; nhà chung cư CT1A, CT1B tại phường Xuân La, quận Tây Hồ; khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã giao 19 nhà đầu tư đề xuất ý tưởng quy hoạch 30 khu chung cư cũ. Thành phố chủ động phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng, từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở.
Tổng kết số liệu cho thấy, diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn 2016 - 2020 là 25,3 triệu m2 , trung bình đạt 27,25 m2/người, vượt mục tiêu đề ra (26,3 m2/người).
Nhu cầu và điều kiện nhà ở gắn với thị trường bất động sản đã được cải thiện đáng kể.
Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố năm 2015 là 89,7%, phản ánh đúng thực trạng về kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội. Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ này tăng lên 93,8%, cao hơn so với các thành phố trực thuộc trung ương khác năm 2020 (TP HCM: 79,4%; Hải Phòng: 93,4%; Cần Thơ: 25,22%).
Trong các năm giai đoạn này, sự thay đổi tăng/giảm không đáng kể dao động từ 90 - 94%. Dân số Hà Nội tăng đều đặn hằng năm khoảng 2%, đồng nghĩa với số hộ gia đình cũng tăng. Số lượng hộ gia đình tăng lên dẫn đến nhu cầu về cải thiện, nâng cấp nhà ở tăng theo. Đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô ngày càng được cải thiện nên vấn đề nhà ở là một trong những ưu tiên hàng đầu của người dân.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều hộ dân cư có giảm sút, ảnh hưởng đến các dự định và kế hoạch xây dựng mới, nâng cấp nhà ở. Do đó, tỷ lệ nhà ở kiên cố có giảm nhưng không đáng kể so với các năm trước. Bộ Xây dựng dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, sau khi tình hình kinh tế dần được ổn định và hồi phục. Đề xuất chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố đạt mức 97,5%.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015 - 2020, một số chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở hoàn thành đạt tỷ lệ thấp so với tổng số diện tích sàn nhà ở đã phát triển.
Khu vực đô thị vẫn còn một số hộ dân sống trong tình trạng nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ, chủ yếu tồn tại ở khu vực các bãi ven sông.
Các dự án nhà ở được phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 chủ yếu tập trung khu vực nội thành, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực như ùn tắc giao thông, úng ngập, thiếu trường học…
Bộ Xây dựng đánh giá, nguyên nhân của những tồn tại trên là quỹ đất phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, việc triển khai các khu nhà ở xã hội tập trung chậm.
Một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư triển khai chậm so với tiến độ được duyệt, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố.
Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, tiến độ triển khai chậm, kết quả thực hiện còn thấp.
Một số hộ dân chưa có điều kiện để nâng cấp, cải thiện điều kiện nhà ở do hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, cuộc sống chưa có sự ổn định.
Khu vực đô thị có giá trị đất đai, bất động sản cao, khả năng sinh lời lớn nên vẫn hấp dẫn đầu tư hơn các khu vực vùng ven.