Tổng cục Thống kê cho biết, do hoạt động đầu tư trong tháng 1/2023 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2023, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.
Đến hết ngày 31/1/2023, dự án không giải ngân được hết vốn kế hoạch năm 2022 đã giao, không thuộc diện được phép kéo dài theo quy định thực hiện hủy dự toán, hoàn trả ngân sách Trung ương
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước đạt 27.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 4.200 tỷ đồng, bằng 3,1% kế hoạch năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 22.800 tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 15.700 tỷ đồng, bằng 3,9% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước…
Hai đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TP HCM có tỷ lệ giải ngân cao nhất, lần lượt là 2.698,9 tỷ đồng và 1.638,1 tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị là 580.261,248 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 276.155,353 tỷ đồng (bao gồm 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022; vốn bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 38.155,353 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng.
Đến hết tháng 12/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 556.783,456 tỷ đồng, đạt 95,99% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 95,78% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,24% kế hoạch.
Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ là 23.263,378 tỷ đồng, bằng 4,01% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (2/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2022 là 435.689,974 tỷ đồng, đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 77,3%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 79.111,13 tỷ đồng.
Trong đó, vốn trong nước là 424.052,69 tỷ đồng, đạt 77,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 83,66%). Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 81.271,79 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 11.637,28 tỷ đồng, đạt 33,65% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,77%).
Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 37/52 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (75,11%); trong đó, có 6 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch.
Nhằm tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; và tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, trong năm 2023, tại Nghị quyết số 5/NQ-CP ngày 9/1/2023: Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: ban hành, tổ chức triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo đột phá trong cải cách hành chính.