Cụ thể, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thì từ đầu năm đến nay có một số điểm không giảm được úng ngập như Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành- Bát Đàn- Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trương Định; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân khiến những điểm này vẫn xảy ra ngập úng là do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.
Một số điểm khác trên địa bàn thành phố đã giảm úng ngập khoảng 50% như Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp.
Tại Hội nghị, phía Sở Xây dựng dự báo trong thời gian từ nay đến cuối năm, với cường độ mưa khoảng từ 50-100mm trong 2 giờ thì một số điểm vẫn xảy ra úng ngập cục bộ như các khu dân cư tại các quận nội thành, các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 32 và 21B, vành đai 3,5 đường Lê Trọng Tấn Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh.
Cường độ mưa nhỏ dưới 50mm trong 2 giờ thì không xảy ra úng ngập, chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tại những điểm úng ngập trong nội thành đã có một số nơi đã và đang thực hiện, đề xuất giải pháp bể chứa nước ngầm. Riêng điểm Nguyễn Khuyễn, trường Lý Thường Kiệt đang được đầu tư bể điều tiết ngầm dự kiến tháng 9 hoàn thành. Điểm Cao Bá Quát, điểm ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn-Nhà Hỏa cũng chuẩn bị triển khai dự án thoát nước bằng bể điều tiết ngầm.
Đối với những điểm ngậm úng cục bộ còn lại thành phố cũng đang triển khai các dự án chống úng ngập.