Sở Xây dựng Hà Nội lí giải việc chậm xóa các 'điểm đen' về ngập úng

Chiều 13/8, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin về việc bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành 7 tháng của năm 2019.

Về kết quả xử lý các "điểm đen" về úng ngập đã tồn tại nhiều năm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, năm 2017, thành phố đã xóa bỏ được 2/18 điểm ngập tại đường Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa, ngã ba Ba La - quận Hà Đông); đường Cổ Linh (quận Long Biên).

Năm 2018, thành phố tiếp tục xóa được 2/16 điểm úng ngập tại đường Giải Phóng, đoạn bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính. Tuy nhiên, hai điểm này vẫn cần được theo dõi, đánh giá trong mùa mưa 2019.

Với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm/2 giờ trong năm 2019, lãnh đạo Sở Xây dựng dự báo các tuyến phố chính của thành phố vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập.

so-XD

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin tới báo chí.

Ngoài ra, còn có các điểm ngập cục bộ ở một số ngõ, ngách, khu dân cư tại 12 quận, các tuyến đường ngoài khu đô thị như: Quốc lộ 1A, đường 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 32, quốc lộ 21B, đường gom Đại lộ Thăng Long (hầm chui ngã ba Thiên đường Bảo Sơn - Vành đai 3,5 đường Lê Trọng Tấn Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh khác…).

Lý giải về nguyên nhân tiến độ xử lý, khắc phục các điểm úng ngập còn chậm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, 18 điểm úng ngập đều đã tồn tại nhiều năm trong nội đô, việc xử lý, giải quyết gặp nhiều khó khăn. Sở đã lên danh mục báo cáo thành phố xin cải tạo, sửa chữa, chống úng ngập cục bộ và cơ bản đã giải quyết được những điểm này. Ngoài ra, do tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước ở một số khu vực chưa được cải tạo đồng bộ nên tiếp tục xuất hiện một số điểm úng ngập mới.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng khẳng định, dù công tác giải quyết úng ngập được thành phố hết sức quan tâm nhưng do hạn chế về kinh phí nên đến nay mới tập trung xử lý được úng ngập cho 1/3 số khu vực quận, huyện. Thành phố đang tiếp tục lập dự án cho các quận chưa được đầu tư dự án thoát nước, như quận Long Biên, khu vực phía Tây Hà Nội, một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân…

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng cho rằng, bên cạnh những biện pháp mà các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện, để khắc phục tình trạng ngập úng, rất cần sự vào cuộc của mỗi người dân và các cơ sở kinh doanh.

Mỗi người dân, cơ sở kinh doanh chỉ cần có ý thức không đặt tấm chắn, vật cản lên hệ thống thoát nước, đặc biệt là các ga thu nước; lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống tách dầu mỡ trước khi xả thải ra môi trường… thì việc thoát nước sẽ được cải thiện đáng kể.

Chưa có cơ sở so sánh hiệu quả của Redoxy-3C và công nghệ Nhật Bản

Về hiệu quả chế phẩm Redoxy-3C trong xử lý nước sông hồ ô nhiễm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng đánh giá, qua thực tế sử dụng, chế phẩm này có chất lượng tốt. Nước sông, hồ sau xử lý bằng chế phẩm này đạt các chỉ tiêu theo quy định.

Công nghệ xử lý của Nhật Bản do Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) áp dụng tại sông Tô Lịch và hồ Tây đang trong quá trình thử nghiệm, chưa công bố kết quả và cũng chưa rõ giá thành. Do đó, hiện chưa đủ cơ sở để có thể so sánh hiệu quả giữa hai công nghệ.

"Quan điểm của thành phố Hà Nội là hết sức trân trọng các ý tưởng thử nghiệm và việc tổ chức triển khai thí điểm các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường sông, hồ. Công nghệ nào hiệu quả, giúp thành phố tiết kiệm được chi phí thì sẽ được lựa chọn", ông Võ Tiến Hùng khẳng định.

chọn
Toàn cảnh đường kết nối di sản văn hoá du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng sắp mở qua huyện Văn Giang, Hưng Yên
Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng có tổng chiều dài gần 56 km, trong đó có một phần đi qua huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.