Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện tổ hợp dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) do CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư.
Với vai trò là cổ đông chi phối tại TIC, TKV kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản năm 2017 – 2018.
Mục tiêu là để TIC tập trung mọi nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình, bảo vệ môi trường nhằm sớm đưa dự án vào sản xuất, khai thác có hiệu quả, kịp thời cung cấp cho các cơ sở phôi thép.
TKV còn đề nghị tạm dừng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn để tiếp tục nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý và xem xét triển khai sau năm 2020.
Mỏ sắt Thạch Khê ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay, bởi còn tồn tại nhiều bất cập. (ảnh Hòa Hải) |
Trước những đề xuất nói trên của TKV, vào ngày 22/12, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã phát đi bản thông cáo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này.
Theo kết luận, khai thác mỏ sắt Thạch Khê nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi, nhưng từ sau khi khởi công (9/2009), dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết.
Cụ thể, vào tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ phải cho tạm dừng bốc đất tầng phủ và tái cơ cấu cổ đông của TIC. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ toàn bộ quy trình, thủ tục và nội dung dự án; đánh giá tác động môi trường (tụt nước ngầm, sa mạc hóa…) và phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi khai thác; xem xét lại năng lực và làm rõ nguồn vốn của các cổ đông đầu tư,…; kiến nghị Trung ương, nếu chủ đầu tư TIC chưa xử lý được các yếu kém thì tiếp tục dừng, chưa cho khởi động lại dự án.
Toàn bộ người dân trong khu vực phải di dời đến nơi ở mới để mỏ sắt hoạt động, nhà cửa bị đập phá, một khung cảnh tan hoang không một bóng người. (ảnh Hòa Hải) |
Trước những tồn tại nêu trên, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển gây nhiều thiệt hại cho tỉnh và người dân, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương một khi chủ đầu tư TIC chưa đáp ứng, giải quyết được các tồn tại đã nêu thì chưa cho khởi động lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Xoay quanh vấn đề này rất nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, việc tạm dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là hợp lý. Có ý kiến còn cho rằng có thể dừng luôn dự án là tốt hơn. Vì, chất lượng quặng ở đây rất xấu, nếu so với quặng của Úc, Brazil hay các nước khác thì không thể cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, tình hình khai thác mỏ Thạch Khê không phải dễ dàng. Bởi vì nước ngầm, nước biển xâm nhập vào. Khi khai thác như vậy phải đắp đê rất lớn để ngăn nước biển, nếu không công nhân sẽ bị tử vong. Công nghệ để khai thác mỏ phải đầu tư rất lớn, chỉ có công nghệ và nguồn vốn nước ngoài mới khả thi.