Hai thái cực xử lý trái phiếu năm 2023: Nhóm ồ ạt mua lại trước hạn, nhóm nỗ lực đàm phán kéo dài

Trước áp lực dòng tiền và trái phiếu đáo hạn, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đàm phán để gia hạn, hoặc thanh toán bằng tài sản. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác chọn cách mua lại trái phiếu trước hạn như một phương án để giảm nợ tài chính và tái cơ cấu lại các khoản nợ khi lãi suất thị trường giảm.

Giai đoạn năm 2020 - 2021, khi nhiều quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu triển khai và áp dụng, thị trường trái phiếu “bùng nổ” và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, đặc biệt là đối với ngành bất động sản. 

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2020 - 2021 lần lượt đạt 462.575 tỷ đồng và 658.009 tỷ đồng, đều tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành lần lượt là 169.715 tỷ đồng và 232.337 tỷ đồng, chiếm 37% và 35% trong tổng khối lượng phát hành trong hai năm 2020 - 2021. 

  Nguồn: VBMA. 

Phần lớn các lô trái phiếu bất động sản đã phát hành có điểm rơi đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2024, trong khi việc huy động vốn mới gặp khó khăn và tình hình kinh doanh ảm đạm do thị trường không thuận lợi. Điều này tạo áp lực trả nợ lớn lên các doanh nghiệp bất động sản, đòi hỏi doanh nghiệp phải tình cách giải bài toán dòng tiền.

Làn sóng chậm trả nợ trái phiếu đã lan rộng từ đầu năm nay với nhiều cái tên lớn như nhóm Đất Xanh, nhóm Vạn Thịnh Phát, nhóm Novaland,...

Theo báo cáo của Chứng khoán VNDirect, trong năm 2023, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42,8% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 107.752 tỷ đồng (tăng 76,2% so với cùng kỳ). 

Nợ trái phiếu cũng là một trong những chủ đề được quan tâm tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, không chỉ tại doanh nghiệp bất động sản mà còn tại các ngân hàng thương mại, chủ nợ chính của các doanh nghiệp này.

Làn sóng gia hạn sau Nghị định 08

Trước áp lực trái phiếu đến hạn, nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục đàm phán với trái chủ để giãn hạn nợ, đặc biệt là sau ngày 5/3, Nghị định số 08 được ban hành và có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận gia hạn thời điểm đáo hạn và dùng tài sản để thanh toán. 

Điển hình là Novaland (mã: NVL), tính từ đầu năm đến nay, đã gia hạn được 25 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng. Giữa tháng 12, công ty cũng công bố được gia hạn lô trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD sang năm 2027, thay vì đáo hạn năm 2026 như ban đầu. 

Song song với đó, Novaland cũng đàm phán với trái chủ của 3 lô trái phiếu đã đáo hạn trong nửa đầu năm, đề nghị thanh toán bằng bất động sản tại các dự án Novaland Phan Thiet (Bình Thuận) và The Grand Manhattan (quận 1, TP HCM). 

Các doanh nghiệp liên quan Novaland như CTCP Đầu tư Summer Beach cũng được gia hạn lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng, hay Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Hùng với lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng. 

Ngoài nhóm Novaland, các doanh nghiệp nhóm Bamboo Capital cũng được chấp thuận dời thời hạn tổng cộng 8.000 tỷ đồng trái phiếu, Khải Hoàn Land được gia hạn lô trái phiếu 300 tỷ đồng, hay Tập đoàn Tiến Phước được gia hạn 2 lô trái phiếu tổng giá trị 500 tỷ đồng,...

Theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, việc giãn nợ và trả nợ bằng tài sản khác sẽ giúp các doanh nghiệp linh hoạt hơn để giải quyết bài toán đáo hạn trước mắt, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, song phải chấp nhận một chi phí cao hơn trong tương lai.

Ồ ạt mua lại trước hạn

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án mua lại trái phiếu trước hạn như một cách để giảm nợ tài chính và tái cơ cấu lại các khoản nợ khi lãi suất thị trường giảm. Dòng tiền mua lại đến từ nhiều nguồn như từ hoạt động kinh doanh, từ chào bán cổ phiếu, vay vốn để đảo nợ,...

Trả nợ vay tài chính (bao gồm mua lại trước hạn trái phiếu) cũng là một trong những khoản chi lớn của các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn 9 tháng đầu năm nay, đơn cử như CII (mã: CII) với khoản chi hơn 9.000 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, Vinaconex (mã VCG) với hơn 9.500 tỷ đồng, Tổng công ty Tín Nghĩa (mã: TID) với hơn 5.700 tỷ đồng, hay Phát Đạt (PDR) với hơn 2.000 tỷ đồng... 

Theo Báo cáo tóm tắt "Đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024" của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/12/2023, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn trái phiếu với tổng khối lượng 230.200 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. 

 

  Nguồn: VBMA. 

Trong lĩnh vực bất động sản, một thương vụ mua lại trái phiếu đáng chú ý có thể kể đến Kinh Bắc (mã: KBC). Nhờ dòng tiền từ các hợp đồng cho thuê đất đã ký trong năm 2022, công ty này đã tất toán trước hạn toàn bộ 3.900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong nửa đầu năm nay. 

Vào đầu tháng 8, Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc (chủ khách sạn Novotel Saigon Centre tại quận 3, TP HCM) cũng đồng loạt tất toán 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.250 tỷ đồng. 

Trái với Kinh Bắc, thương vụ này diễn ra trong bối cảnh 11 lô trái phiếu khác (tổng trị giá 1.200 tỷ đồng) của Thiên Phúc cũng vừa đáo hạn ngày 31/7 trước đó và công ty đang liên tục kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm hơn 900 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II. 

Gần đây nhất, CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội hồi đầu tháng 12 cũng hoàn tất mua lại trước hạn 338,5 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành còn lại, qua đó đẩy sạch nợ trái phiếu. 

Nhóm CTCP Địa ốc Phúc Đạt và Công ty TNHH Gateway Berkeley mới cũng đẩy sạch nợ trái phiếu thông qua tất toán trước hạn hai lô trái phiếu tổng giá trị 2.000 tỷ đồng vào. Địa ốc Phúc Đạt là chủ doanh nghiệp của Gateway Berkeley, đơn vị sở hữu gián tiếp dự án Khu phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm) tại TP HCM. 

Phát Đạt (mã: PDR) mới đây cũng đã chính thức đẩy sạch khoản nợ trái phiếu với tổng hơn 2.510 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, 4 lô trái phiếu cuối cùng được công ty mua lại bằng tiền tươi huy động được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ diễn ra vào tháng 11. 

Tương tự Phát Đạt, CC1 (mã: CC1) cũng đang thực hiện kế hoạch đẩy sạch nợ từ 3 lô trái phiếu tổng giá trị 2.650 tỷ đồng trong giai đoạn cuối năm nay. Tính đến ngày 28/12, công ty đã hoàn thành mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.