Nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. |
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính từ đầu năm đến tháng 7/2017, đã có tổng cộng 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có số vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 24,92% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư.
Mặc dù số vốn mỗi dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) của Hàn Quốc chỉ đạt mức 9,3 triệu USD (thấp hơn quy mô trung bình của một dự án FDI ở nước ta 4,5 triệu USD) nhưng các doanh nghiệp có vốn FDI của Hàn Quốc tiêu biểu như: Samsung, LG hay Lotte… luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta.
Trong năm 2016, doanh thu xuất khẩu của Samsung Việt Nam là 39,9 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (175,9 tỷ USD). Riêng hai nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh có doanh thu đạt 36,2 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hóa các linh kiện của Samsung cũng tăng lên mức 51%, trước đó là 35%.
Số nhân công của Samsung tại các nhà máy ở Việt Nam đã lên tới 140.000 người. Trong đó, Samsung chỉ sử dụng khoảng 190 đặc phái viên là chuyên gia, kỹ sư Hàn Quốc. Samsung cũng dùng 18.000 robot ở các nhà máy để sản xuất linh kiện. Màn hình 3D, phụ kiện cốt lõi…đều được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu đi Hàn Quốc cũng như các nước khác trên khắp thế giới.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu rất lớn cho Việt Nam. |
Lotte cũng là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu trong thị trường bán lẻ tại Việt Nam với doanh thu vào năm 2016 đạt 5.137 tỷ đồng. Tính đến nay, Lotte có 13 trung tâm thương mại nằm tại các vị trí đắc địa ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…Tập đoàn LG cũng đang xây dựng nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng để sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động với quy mô 7-8 triệu sản phẩm/tháng và khoảng 90.000-100.000 sản phẩm màn hình OLED tivi/tháng.
Ngoài ra, các dự án FDI của Hàn Quốc chủ yếu thuộc các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, thông tin truyền thông và lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Những địa phương thu hút nhiều FDI của Hàn Quốc nhất gồm: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Hải Phòng.
Ông Park Chul Ho, Tổng Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, có hai lý do khiến doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam. Thứ nhất đó là sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Thứ hai là những chính sách của Chính phủ được duy trì theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, cởi mở nên thu hút được nhiều các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.
Cùng với hai lý do trên thì điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao về triển vọng phát triển tại thị trường Việt Nam, một thị trường giàu tiềm năng, nhiều nội lực với tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 6-7% với dân số hàng trăm triệu người.
Theo KOTRA, tính từ năm 1988 đến nay (tức 30 năm), các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 50,5 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 5.773 dự án. Có tới 71% tổng số vốn đầu tư được rót vào lĩnh vực chế tạo, tiếp đó là điều hành bất động sản với 14,8% và xây dựng với 5,4%.
Xét trên tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thì đứng sau Hàn Quốc là Nhật Bản với 42,4 tỷ USD, Singapore với 38,2 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) với 31,8 tỷ USD và Quần đảo Virgin thuộc Anh với 20,4 tỷ USD.