Sau tuyển học viên rầm rộ, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation), thuộc Tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ khai giảng khóa 1 chuyên ngành đào tạo phi công.
VinAviation là tổ chức đào tạo phi công của Vingroup được kí kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy, sau khi hãng bay Vinpearl Air vừa được thành lập vào đầu năm nay.
Hãng bay của tỉ phú Phạm Nhật Vượng khai giảng khóa đào tạo phi công đầu tiên. (Ảnh: VGP).
Trong đợt đào tạo đầu tiên này, hãng bay của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tìm được 180 học viên, trong độ tuổi từ 18-33 tuổi. Trong số này có khoảng 50% học viên từng có kinh nghiệm làm việc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực hàng không.
Đại diện VinAviation cho biết sau khi khai giảng, các học viên sẽ tham gia tập trung học khóa định hướng nhập ngành tại Trường Vinpearl Air.
Sau đó, học viên được đưa đi đào tạo cơ bản khoảng 12 tháng tại Trường Cao đẳng Kĩ thuật khoa học Hàng không Aviator - ACAST (Mỹ) hoặc Học viện đào tạo Phi công - AAPA (Australia) và huấn luyện chuyển loại 14 tháng tại Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp, các học viên được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế (FAA, CASA) và Cục Hàng không Việt Nam CAAV, có cơ hội học liên thông lên Đại học chuyên ngành Quản trị hàng không.
Trước đó, Vingroup cho biết khóa đào tạo phi công cơ bản này là một chương trình phi lợi nhuận, với chi phí thấp hơn thị trường nhưng vẫn đảm bảo sắp xếp công việc cho học viên sau tốt nghiệp.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, học viên có thể tự do lựa chọn làm việc tại bất cứ hãng hàng không nào khác tại Việt Nam và trên thế giới, không bắt buộc gắn với Vinpearl Air.
Hiện hãng bay của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang chờ Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu theo đúng kế hoạch, Vinpearl Air sẽ chính thức cất cánh vào giữa năm sau.
Phi công và kĩ thuật viên ngành hàng không đang thiếu hụt trầm trọng. (Nguồn: Cục Hàng không - Đồ hoạ: Phúc Minh).
Vinpear Air dự tính trong năm đầu tiên khai thác, số lao động là 600 người, trong đó gồm 60 phi công, 120 tiếp viên. Đến năm 2024 số nhân sự là 2.250 người, gồm 346 phi công, 892 tiếp viên.
Theo Cục Hàng không, hiện các các hãng bay trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng, gồm phi công và cả nhân viên kĩ thuật.
Cụ thể, đến năm 2020, các hãng bay trong nước đang thiếu 14 phi công và 336 nhân viên kĩ thuật. Đến năm 2021 thiếu 258 phi công và 628 kĩ thuật viên.
Giai đoạn 5 năm tới, ngành hàng không cần bổ sung thêm 1.225 phi công và 1.728 nhân viên kĩ thuật.
Thậm chí, nhân lực của Cục Hàng không cũng đang thiếu. Cơ quan này cho biết tới năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn.