Đường và thuốc lá lậu bị lực lượng chức năng thu giữ: Ảnh LINH GIANG |
Khoảng vài tháng qua, hàng lậu - chủ yếu là thuốc lá, đường cát, quần áo, mỹ phẩm... từ bên kia biên giới Campuchia lợi dụng mùa nước lũ tràn vào khu vực biên giới thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, bất chấp sự kiểm soát gắt gao của các ngành chức năng.
Một ngày giữa tháng 9, PVThanh Niên cùng lực lượng chức năng đi “trinh sát” điểm tập kết của bọn buôn lậu. 2 giờ 30 phút, ngoài trời mưa nặng hạt, chúng tôi bắt đầu lên đường. Sau hơn 5 phút chạy xe, chúng tôi đến được phía bên kia bờ kênh Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc (An Giang) đối diện với điểm trung chuyển hàng lậu. Sau khi giấu xe máy vào bụi cây ven đường, chúng tôi tìm nơi ẩn nấp. Khoảng 10 phút sau, có tiếng máy chạy tạch tạch dưới sông, trinh sát đi cùng tôi nói khẽ: “Núp cẩn thận, trước khi cập bến lên hàng, chúng soi đèn kỹ lắm”.
Tiếng máy ngưng chạy khi còn cách điểm cập bến hơn 100 m. Quả nhiên, các đối tượng dùng đèn pin kiểm tra 2 bên bờ sông rồi mới cho vỏ lãi cập bến. Từ trên bờ, khoảng 10 người nhanh chóng xuống vỏ lãi, vác các bao thuốc lá chạy ngược lên bờ, chất lên xe máy dựng cạnh đó. Mỗi xe chở 2 bao lớn phía sau, 2 bao nhỏ phía trước (khoảng 150 - 200 gói/bao), rồi phóng mất hút… Chúng tôi ngồi quan sát một lúc, bất ngờ, từ bờ kênh có tiếng còi xe vang lên dồn dập. Chiếc vỏ lãi lập tức rời bến chạy mất hút về phía biên giới.
Chúng tôi chạy xe ra đường lộ lớn thì phía sau có 5 xe máy bám đuôi theo. “Bọn chúng đeo bám dữ lắm. Để bắt được tận tay đối tượng buôn lậu là điều không dễ dàng. Bị phát hiện, chúng có thể nhấn chìm cả vỏ lãi chở hàng rồi chạy thoát thân”, trinh sát đi cùng nói. Vào ban đêm, hàng chục xe máy sau khi nhận hàng, lao vun vút về hướng nội ô TP.Châu Đốc, chạy ra tuyến QL91 hoặc đến các điểm tập kết hàng hoá để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Ở dưới sông là vậy, còn ở trên bờ, một trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, bọn buôn lậu không chứa thuốc lá trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống và thường xuyên thay đổi địa điểm, cử người canh giữ, chờ người đến nhận. Các xe máy vận chuyển hàng lậu thường không có giấy tờ, biển số giả hoặc bôi đen biển số. Giờ hoạt động cao điểm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.
Tại An Giang, thời điểm này nước phủ trắng đồng, nhiều vỏ lãi chở đầy thuốc lá, đường cát Thái Lan từ khu vực gò Tà Mâu (Campuchia) đưa về tập kết tại các điểm trung chuyển thuộc P.Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc). Lợi dụng mùa lũ, các nhóm buôn lậu càng manh động, liều lĩnh. Khi lực lượng chức năng phát hiện, đuổi bắt thì dọc các cánh đồng luôn có các xuồng nhỏ chờ sẵn lao ra cản đường lực lượng truy bắt, để người vận chuyển hàng bỏ trốn…
Hầu hết người buôn lậu trên tuyến biên giới đều là người địa phương, vì vậy, họ rất thông thạo địa bàn. Do ở khu vực biên giới, đất sản xuất nông nghiệp không có hiệu quả nên nhiều người dân tham gia vận chuyển hàng lậu để được lợi nhuận cao. Trung bình mỗi ngày, họ được các đầu nậu chia lợi nhuận từ 300.000 - 500.000 đồng. Thuốc từ Campuchia đưa về tới TP.Châu Đốc lời từ 3.000 - 5.000 đồng/cây. Từ Châu Đốc đưa đi các tỉnh tiêu thụ lời từ 10.000 - 15.000 đồng/cây.
Đại úy Dương Trung Tính, Trưởng công an xã Thường Thới Hậu B (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay, các nhóm buôn lậu chuyển hướng vận chuyển hàng lậu bằng cách đai hàng, chạy băng đồng khoảng 200m để né chốt kiểm tra trên bờ, rồi đưa đến điểm tập kết. Nhiều đêm, lực lượng chống buôn lậu phải trầm mình dưới nước, mật phục trong cánh đồng để bắt giữ hàng lậu”.
Cũng theo đại úy Tính, từ đầu năm đến nay, Công an xã Thường Thới Hậu B phối hợp các lực lượng chức năng mật phục bắt giữ 44 vụ (tăng 28 vụ so với cùng kỳ), tạm giữ 34.780 gói thuốc lá ngoại lậu, 9 xe máy, 3 xuồng máy. Hầu hết các vụ bắt giữ hàng lậu đều vô chủ vì những người vận chuyển hàng lậu đều vứt bỏ hàng hoá, bỏ chạy.
Không chỉ liều lĩnh, bọn buôn lậu còn rất ranh khôn. Chúng cử người theo dõi phía trước cửa các đơn vị chức năng phòng chống buôn lậu… để thông báo cho người vận chuyển và đầu nậu. Những người tham gia vận chuyển hàng lậu nếu bị bắt 1 lần thì sẽ nghỉ, để chuyển sang làm nhiệm vụ canh đường (vì bị bắt lần đầu chỉ phạt hành chánh, lần thứ 2 có thể bị xử lý hình sự). Tiền thù lao “canh gác” cũng không thua tiền vận chuyển hàng. Đặc biệt, các đầu nậu còn thuê những người bán cà phê, nước mía, bán bún... khu vực các ngã ba để canh đường và trả tiền công khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang, cho biết một thủ đoạn mới của các đối tượng hiện nay là thành lập các lò đường phèn ngay gần khu vực biên giới, khi đường cát nhập lậu vào nội địa, chúng đổ vào nồi nấu đường phèn ngay.
Hà Nội: Bắt giữ gần 3.000 đôi giày không rõ nguồn gốc của ông chủ Trung Quốc Khoảng 2.650 đôi giày không có nguồn gốc xuất xứ, đã được Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện và lập biên bản, tạm giữ. |