Tại TP HCM, dự án có quy mô lớn nhất là Khu tái định cư Bình Khánh nằm trong khu đất rộng 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm, được khởi công hơn chục năm trước. Sau hai năm xây dựng, công trình hoàn thành năm 2015 và bị bỏ hoang đến nay.
TP HCM đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục đấu giá khu này, dự kiến tổ chức cuối năm nay. Thành phố từng đưa ra mức giá cho cụm chung cư này là 9.000 tỷ đồng năm 2017 và tăng lên 9.900 tỷ năm 2021.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, thành phố có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, không có người ở. Trong số này, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng quản lý gần 8.500 căn. Các căn hộ tái định cư này nằm rải khắp các quận huyện, TP Thủ Đức.
Một số khu vực có số lượng căn hộ để trống lớn như khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) còn hơn 5.300 căn, xếp thứ hai là Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 1.400 căn, các quận như 12, 7, Bình Thạnh có vài trăm căn. Dù không có người ở, hàng năm thành phố vẫn tốn tiền tỷ để trả phí quản lý.
Có nhiều nguyên nhân khiến các căn hộ này bị “ế”. Theo Sở Xây dựng TP HCM, trước đây quy định của Luật đất đai 2013, nhà nước thu hồi đất cho phép người dân lựa chọn đền bù bằng cả ba hình thức: tiền, căn hộ và nền đất. Tuy nhiên, khi giá bồi thường tiến sát thị trường, người dân chủ yếu chọn nhận tiền để tự lo nơi ở mới nên đây là số căn hộ dôi dư.
Trong khi đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng nguyên nhân của tình trạng bị bỏ hoang do nhiều dự án án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt. Nhiều khu cũng thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ...
Một số dự án gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của cư dân mà còn làm giảm giá trị của các căn hộ, khiến người dân không muốn chuyển đến.
Đứng thứ hai về quy mô là Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) rộng 30 ha được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, quy mô 1.939 căn nhưng đang bỏ trống 1.465 căn. Sau gần 15 năm xây dựng, thưa thớt người ở, không được bảo trì, dự án hư hỏng, xuống cấp.
Dãy tường chung cư Vĩnh Lộc B bong tróc, nứt nẻ. Dự án có 45 block cao năm tầng. Nhiều lô không có người ở, không được bảo trì nên xuống cấp, một số lô bị sụt lún.
Nằm ở trung tâm quận 7, chung cư Tân Mỹ, phường Tân Phú là nơi tái định cư cho người dân bị giải tỏa của dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (quận 8). Sau 15 năm đưa vào sử dụng, khu này còn trống 221 căn.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, do không có người ở nên căn hộ này đóng cửa, niêm phong, không phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng. Điều này cũng khiến các căn hộ nhanh xuống cấp.
Tại Hà Nội cũng có trên 170 khu nhà tái định cư với khoảng 14.200 căn hộ đã đi vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn còn gần chục dự án đã hoàn thành nằm rải rác ở các quận Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy nhưng bị bỏ không suốt nhiều năm qua khiến cơ sở vật chất, hạ tầng xung quanh xuống cấp.
Một số dự án còn nằm ở những vị trí đắt địa tại mặt đường lớn hay tiếp giáp với các khu đô thị hiện đại, được quy hoạch đồng bộ.
Điển hình như ba toà nhà tái định cư tại khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên hoàn thành từ năm 2006, với khoảng 150 căn hộ, đến nay chưa có người ở. Dự án này nằm ngay sát khu đô thị nhà giàu Vinhomes Riverside và chung cư thương mại Le Grand Jardin hiện có từ 45 triệu đồng một m2.
Đây là khu nhà tái định cư cho dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong Khu đô thị Sài Đồng do Hanco3 làm chủ đầu tư. Dự án này triển khai từ khi chưa thành lập quận Long Biên.
Trong khi đó, quy định về bồi thường dự án giữa quận và huyện khác nhau, nên chủ đầu tư và người dân không có sự thống nhất. Nhiều người đã không đến nhận nhà. Năm 2017, Hanco3 từng đề xuất phá bỏ cả ba toà nhà này để xây nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của TP Hà Nội.
Sau gần 20 năm bỏ hoang, các hạng mục của dự án này đều đã xuống cấp nghiêm trọng, sơn bong tróc, cửa kính vỡ, lan can hoen rỉ. Tầng 1 của toà nhà hiện là văn phòng, có treo biển của Hanco3. Nhiều phần đất trống cạnh dự án được người dân xung quanh tận dụng để trồng rau, đỗ ôtô.
Cách dự án trên ở khu đô thị Sài Đồng khoảng 5 km, cũng ở quận Long Biên là khu tái định cư phục vụ giãn dân phố cổ (giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư nghìn tỷ đồng. 5 block nhà này nằm ngay sát mặt đường Lý Sơn, thuộc phường Thượng Thanh. Khu vực sảnh các căn hộ này vẫn có bảo vệ túc trực. Toàn bộ các lối vào hầm đều được quây tôn bịt kín.
Đã hoàn thành từ lâu và có đầy đủ thang máy, nhưng các tòa nhà cũng không có cư dân về sinh sống. Trước đó, theo chủ trương của TP Hà Nội, dự án này được xây dựng để phục vụ việc di dời người dân ở khu vực phố cổ nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở bình quân đầu người năm 2020 là 25 m2 sàn một người.
Tại quận Hoàng Mai cũng có dự án tái định cư ở phường Trần Phú, trong ngõ 587 Tam Trinh, phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ. Năm 2010, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội được giao làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 760 tỷ đồng. Theo quy hoạch, dự án gồm 4 nhà chung cư cao từ 9 đến 15 tầng.
Đến nay, dự án này đã hoàn thành 1 khối nhà 9 tầng và 1 khối nhà 15 tầng với hàng trăm căn hộ. Do không có người sử dụng lâu ngày, cây, cỏ dại mọc xung quanh công trình. Nhiều khu vực còn được người dân để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, đồ đạc hỏng hóc.
Dự án nhà tái định cư N01-D17 ở số 1 Duy Tân - khu vực trung tâm quận Cầu Giấy nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng, thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Dự án gồm 4 tòa nhà cao 15 tầng, 1 hầm với các căn hộ từ 50- 90m2. Khu nhà ở tái định cư này được triển khai từ năm 2010, dự kiến hoàn thiện sau đó 3 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới chỉ xong phần thô, sau đó đình trệ suốt nhiều năm qua.
Khu tái định cư ở phường Xuân La, quận Tây Hồ gồm 2 khu nhà 17 tầng (CT1, CT4) và 2 khu cao 11 tầng (CT2 và CT3) bắt đầu được triển khai từ năm 2011. Theo quy hoạch, dự án sẽ phục vụ dân số khoảng 2.800 người. Trong ảnh là hai tòa CT2 và CT3. Khu tái định cư này nằm giáp với khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây và một số chung cư thương mại đang có giá bán từ 60 triệu đồng một m2.
Hiện tại, cả 4 tòa nhà cơ bản đã hoàn thành nhưng không một căn hộ nào bên trong có người ở. Khu vực phía sau các tòa nhà cũng trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng.
Trước thực trạng bỏ hoang này, một số chuyên gia đề xuất chuyển các căn tái định cư sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho rằng không phù hợp. Đơn cử Khu tái định cư Bình Khánh (TP HCM), theo Sở Xây dựng thành phố, nhà ở xã hội phải được miễn tiền sử dụng đất trong giá thành nhưng vẫn phải tính toán các chi phí bồi thường nên giá vẫn ở mức rất cao.
Mặt khác, nhà ở xã hội chỉ được nằm trong khung diện tích 20-70 m2. Khu tái định cư ở Bình Khánh chỉ có khoảng 30% căn hộ đáp ứng được khung diện tích này và nằm rải rác ở từng tòa chung cư nên không thể bố trí nhà ở xã hội nằm rải rác ở từng tòa.