Theo thầy Cương, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi mà Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
Hai mùa tuyển sinh trước đây, mỗi năm Trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học.
Thầy Văn Như Cương. Ảnh Infonet |
“Năm nay có vẻ ít hơn, chúng tôi chưa tổng kết cụ thể nhưng hiện qua tiếp nhận ban đầu đã có đến hàng trăm hồ sơ như vậy. Có thể do tác động từ Sở GD-ĐT nên việc này đã giảm đi, nhưng số lượng hồ sơ ảo vẫn còn nhiều lắm. Bởi có thể nhận thấy ngay rằng để tổng kết cả 5 năm học mà Toán 10, Tiếng Việt 10 là hoàn toàn khó.
Từ khi đi học rồi sau này đi dạy, tôi cũng không thấy học bạ nào được điểm 10 tuyệt đối cả Toán lẫn Văn từ lớp 1 đến lớp 5 như vậy cả. Ngày xưa đi học, được điểm 7, điểm 8 môn Văn là đã mừng rú lên rồi, huống hồ là chuyện được điểm 10. Môn Toán cũng vậy. Mà việc tháng nào cũng 10, năm nào cũng 10, hẳn ai cũng sẽ thấy rất vô lý. Tôi nghĩ nếu thực chất cả Hà Nội chỉ 1-2 em được như thế là cùng”, thầy Cương nói.
Thầy Cương cho biết, do mỗi năm có đến hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 600 nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Tuy nhiên, theo thầy Cương, cứ 10 hồ sơ đăng ký vào trường thì 3 hồ sơ có thành tích được giải thưởng các loại cấp trường, quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
“Việc chạy để được cái này cái kia phụ huynh cũng chia sẻ với tôi rằng có từ việc xin điểm học bạ đến xin giấy khen các cuộc thi qua mạng, văn nghệ, thể thao,... Có phụ huynh kể với tôi con chẳng biết bơi nhưng vẫn kiếm được cho con giải cuộc thi bơi”, thầy Cương kể.
Theo thầy Cương, việc các gia đình đua nhau kiếm giải thưởng cho con với hy vọng được ưu tiên trong quá trình xét tuyển khiến các trường như trường thầy khó khăn trong việc xét chọn bởi việc lựa chọn không chính xác, không phản ánh đúng năng lực thực chất của học sinh.
Nói về hướng giải quyết tình trạng làm đẹp hồ sơ bằng cách xin điểm và “chạy” giải cho con của các gia đình vào các trường top, thầy Cương cho rằng nên để một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá lớn được tổ chức thi tuyển và có thể không dùng tới các câu hỏi liên quan các môn văn hóa mà có thể nảy sinh việc tổ chức luyện thi.
Theo thầy Cương, việc thi tuyển cũng sẽ công bằng hơn xét học bạ bởi việc cho điểm học bạ dù kể cả khách quan thì cũng phụ thuộc vào mức độ đánh giá khác nhau của từng trường. “Ở trường này, học sinh có thể có thể được 10 điểm nhưng cũng với học sinh đó nếu ở trường khác có thể chỉ được 8 hoặc 9 điểm. Đề kiểm tra hay đề thi của các trường cũng có sự khác nhau nên tôi nghĩ với một bài thi chung dành cho tất cả học sinh sẽ đánh giá chính xác nhất năng lực của các em”, thầy Cương nói.
Bộ GD-ĐT vừa có chỉ đạo tinh giảm các cuộc thi cấp quốc gia cũng như các cuộc thi tại địa phương dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. Theo đó Bộ GD-ĐT yêu cầu không sử dụng kết quả các cuộc thi do Sở GD-ĐT tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD-ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong xét tuyển học sinh đầu cấp từ năm học 2018-2019.