Sự sụp đổ của các nền tảng vay ngang hàng của Trung Quốc, từng được quảng cáo là mô hình sinh ra để định hình lại bối cảnh tài chính của quốc gia, đã khiến hàng triệu nạn nhân bị hủy hoại tài chính và tuyệt vọng.
Trong số đó có Bao Gia Kì, một cựu nhân viên công ty sản xuất thủy tinh nhà nước ở Thượng Hải, đã kí gửi 300.000 nhân dân tệ (gần 1 tỉ đồng) vào năm 2016, với một nền tảng cho vay ngang hàng được quản lí bởi Tân Minh Finance.
Cán bộ về hưu này đã dành 2 năm để đòi tiền sau khi nền tảng này phá sản vào năm 2017. Mọi chuyện đều là vô ích, vì đây là một công ty không còn tồn tại với các giám đốc điều hành ảo. Hơn 400 nạn nhân khác đã mất gần 4.000 tỉ đồng trong vụ này.
"Đây là một trải nghiệm đau đớn đối với hầu hết chúng tôi, vì bị lôi kéo bởi những lợi nhuận ngon ngọt. Một mô hình kinh doanh nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, cuối cùng lại gây ra cho những kẻ nhỏ bé như chúng tôi một khoản nợ khổng lồ", bà nói.
Cho vay ngang hàng (P2P) là một phương thức tài trợ nợ cho phép các cá nhân vay và cho vay mà không cần sử dụng một tổ chức tài chính chính thức nào để làm trung gian. Cho vay ngang hàng loại bỏ người trung gian ra khỏi quy trình, nhưng nó cũng liên quan đến nhiều thời gian, nỗ lực, và rủi ro hơn so với các kịch bản cho vay chung chung.
Những câu chuyện về lòng tham đã nổi lên như rạ trong sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc về hoạt động cho vay dựa trên Internet. Các nền tảng cho vay trực tuyến mọc lên như nấm tại nước này từ năm 2012. Chúng huy động vốn từ người dân, kèm cam kết trả lãi cao, và cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ vay tiền. Đây là các đối tượng khó vay tiền từ ngân hàng truyền thống vì mức độ tín dụng thấp.
Khoảng 6.000 công ty cho vay P2P đã vỡ nợ, bỏ trốn bằng tiền mặt hoặc khai tử các hoạt động cho vay dạng này vào cuối tháng 9 năm nay, theo tổ chức cung cấp dữ liệu công nghiệp Vương Đại Chi Gia.
Tổng cộng, số tiền tương đương 30,6 tỉ USD từ 2,7 triệu khách hàng có thể đã bị tuồng đi theo các nền tảng thất bại này.
Lĩnh vực cho vay ngang hàng này đã bị áp nhiều chính sách khắc khe hơn trong những tháng gần đây, khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách kiểm soát rủi ro vì đối mặt với suy thoái kinh tế.
Theo kế hoạch của Bắc Kinh được công bố vào đầu tháng 11/2019, hầu hết các nhà khai thác cho vay P2P sẽ bị đóng cửa, trong khi một số ít có vốn mạnh sẽ được chuyển thành đơn vị cho vay tiêu dùng. Trong quý IV/2019, chính quyền các tỉnh Hồ Nam và Hà Bắc ra lệnh cấm cửa các nền tảng cho vay trực tuyến.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lí Khắc Cường, đã kêu gọi phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, để tận dụng sự bùng nổ kinh tế của quốc gia. Các nền tảng cho vay P2P được coi là một cách hiệu quả để giúp kinh doanh dầu mỡ ở cấp cơ sở.
Tuy nhiên, hàng ngàn nhà khai thác nền tảng P2P đã huy động vốn bất hợp pháp từ người dân. Ngay cả các nhà phát triển bất động sản cũng bắt tay vào việc cung cấp cho các nhà đầu tư mức lãi suất cao ít nhất 8%/năm, hoặc gấp 5 lần so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng, để lấy tiền đầu tư vào việc khác.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thông báo các rủi ro phát sinh từ lĩnh vực này sẽ được giải quyết vào nửa đầu năm 2020. Số lượng nền tảng P2P còn tồn tại đang ở mức 427 vào cuối tháng 10/2019.
Vương Tiểu Lương, một nạn nhân P2P khác ở Thượng Hải, cho biết các nhà đầu tư cá nhân đã đặt hi vọng vào chính phủ, về việc giúp họ phục hồi một phần tổn thất. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ thất vọng, vì nhà nước sẽ không can thiệp để bảo lãnh tín dụng hay bồi thường cho các nhà đầu tư nhỏ.
"Thật không công bằng cho các nhà đầu tư nhỏ, khi phải trả khoảng nợ trên trời rơi xuống này. Như thế, việc thực thi pháp luật và giám sát lĩnh vực này đã không đẩy đủ", ông chủ nhà hàng 40 tuổi đã mất gần 700 triệu nhân dân tệ vì bị một nền tảng P2P lừa gạt, bức xúc.
Cuộc đàn áp mới nhất của các nhà chức trách có thể là hồi chuông báo tử cho ngành công nghiệp cho vay trực tuyến. Trong trường hợp của Tân Minh Finance, các công tố viên địa phương đã kiện một số cá nhân tại tòa án Thượng Hải, vì gây quỹ bất hợp pháp. Điều này mang lại chút an ủi cho bà Bao và các nạn nhân khác.
Tuy nhiên, chính quyền không thể xử vụ này dưới pháp nhân bị cáo là một công ty, mà chỉ có thể gán pháp nhân cá nhân để thụ lí. Vì thế, các vấn đề bồi thường sau phá sản là không thể.
"Chúng tôi thừa nhận bản thân đã rất tham lam và bị thu hút bởi lợi nhuận cao. Tuy nhiên, chúng tôi làm thế vì có niềm tin, rằng sẽ không sai lầm khi hướng ứng theo chỉ dẫn của chính phủ", bà Bao khẳng định.