Hành trình thâu tóm quĩ đất nghìn tỉ đồng của công ty May - Diêm Sài Gòn

Đằng sau một số dự án mà May - Diêm Sài Gòn trúng thầu tại một số tỉnh thành đâu đó có bóng dáng của TNG Holdings.

Liên tiếp trúng thầu nhiều dự án BĐS

CTCP May - Diêm Sài Gòn (SMG) không còn là cái tên xa lạ trên thị trường BĐS khi thời gian gần đây, doanh nghiệp này liên tiếp trúng thầu nhiều dự án chỉ trong vòng hơn một năm trở lại đây.

Đơn cử, tháng 5/2020, SMG được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt làm nhà đầu tư dự án Khu dân cư núi Đầu Rồng tại huyện Cao Phong. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với diện tích đất sử dụng 9,9 ha; tổng chi phí thực hiện dự án là 394,9 tỉ đồng.

Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình (bên mời thầu) công bố May - Diêm Sài Gòn là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án.

Tháng 7/2020, liên danh CTCP Bất động sản Mỹ và CTCP May - Diêm Sài Gòn trúng thầu dự án Khu đô thị mới Bảo Hà, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai).

Dự án có diện tích 42 ha, tổng vốn đầu tư 708 tỉ đồng (trong đó chi phí xây dựng hạ tầng kĩ thuật và chi phí khác hơn 498 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 210 tỉ  đồng.

Tại Hà Tĩnh, May - Diêm Sài Gòn cũng vừa trúng thầu dự án Khu nhà ở dịch vụ thương mại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ. Dự án có tổng diện tích 11,71 ha, tổng mức đầu tư 1.182 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất).

Trước đó, tháng 3/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Dự án có tổng chi phí thực hiện lên tới trên 1.713 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 48,1 ha. May - Diêm Sài Gòn cũng là cái tên duy nhất được gọi.

Tháng 8/2019, SMG đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện tại dự án Khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn với tư cách là nhà đầu tư duy nhất trong danh sách ngắn.

Dự án có tổng chi phí thực hiện hơn 524 tỉ đồng (đã bao gồm giải phóng mặt bằng), diện tích sử dụng đất khoảng 26,8 ha. UBND thị xã Bỉm Sơn là cơ quan lập qui hoạch chi tiết 1/500 và là bên mời thầu dự án.

Cũng trong tháng 8/2019, SMG đã được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư mới (nằm trong khu hành chính huyện, kết hợp khu dân cư thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa). Dự án có qui mô 18 ha, tổng mức đầu tư gần 165 tỉ đồng.

Bóng dáng "nhà tài trợ"

Hành trình thâu tóm quĩ đất của May - Diêm Sài Gòn và bóng dáng doanh nghiệp đứng sau - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án The GoldView do May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư. (Ảnh: goldview.vn)

CTCP May - Diêm Sài Gòn có địa chỉ trụ sở chính tại 346 Bến Vân Đồn, Phường 1, Quận 4 , TP HCM, tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy (Vinh) được thành lập từ những năm 20 đầu thế kỉ 20. Đến năm 1948 thì được dời vào Sài Gòn sau đó đổi tên thành Hãng Diêm SIFA.

Tháng 7/2004, công ty hoàn thành cổ phần hóa, lấy tên là CTCP May - Diêm Sài Gòn (SMG), vốn điều lệ ban đầu là 5,49 tỉ đồng, trong đó 36% phần vốn Nhà nước do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp của SMG, tại thời điểm tháng 11/2015, công ty này có vốn điều lệ 720 tỉ đồng. Người đại diện kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Bùi Huỳnh Dương (sinh năm 1992).

Từ một doanh nghiệp nhà nước, trụ sở tại phía Nam và không có nhiều hoạt động trong lĩnh vực BĐS nhưng thời gian gần đây, cái tên May – Diêm Sài Gòn bất ngờ nổi lên với nhiều dấu hỏi về năng lực khi liên tiếp trúng thầu loạt dự án tại phía Bắc.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này vốn là chủ đầu tư dự án chủ đầu tư dự án Khu cao ốc Hòa Bình (nay đổi tên là The GoldView) – dự án được xây dựng trên khu đất có địa chỉ trùng với trụ sở chính công ty này (346 Bến Vân Đồn).

Dự án rộng hơn 2,3 ha với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Mặc dù là chủ đầu tư nhưng vai trò của SMG khá mờ nhạt bởi dự án được quảng cáo rầm rộ với sự đồng hành của TNR Holdings và Marritime Bank khiến không ít người nghĩ rằng TNR Holding chính là chủ đầu tư.

Được biết, TNR Holdings Việt Nam và May - Diêm Sài Gòn đã kí kết một thoả thuận hợp tác chiến lược về dự án The GoldView. Theo nội dung thoả thuận, TNR Holdings sẽ là nhà quản lí, điều hành và phát triển dự án. 

May - Diêm Sài Gòn còn có mối liên hệ hợp tác mật thiết với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - Mã: MSB) - ngân hàng do ông Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn là chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người từng là Chủ tịch HĐQT của TNG Holdings.

Theo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Maritime Bank nắm quyền khai thác, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê mượn, quyền đòi nợ… đối với nhiều tài sản là các căn hộ chưa bán và tầng hầm của dự án The Goldview.

TNR Holdings là công ty chuyên phát triển bất động sản thuộc CTCP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam. Vào thời điểm ra mắt tháng 12/2014, TNR Holdings được giới thiệu là nhà quản lí độc quyền phát triển, tiếp thị và bán hàng cho nhiều dự án BĐS lớn tại Hà Nội và TP HCM.

Ngoài ra, một số dự án khác mà SMG trúng thầu luôn có bóng dáng của TNG Holdings. Cụ thể, TNG Holdings là nhà đầu tư lập bản đồ không gian kiến trúc cảnh quan cho dự án Khu nhà ở dịch vụ thương mại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Tại Khu đô thị mới Bảo Hà, đối tác liên danh với SMG là CTCP Bất động sản Mỹ (tiền thân là CTCP Bất động sản Mùa Đông), do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. Bà Hường trước đó cũng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings).

Doanh nghiệp này cũng chính là chủ đầu tư dự án chung cư TNR Gold Season tại 47 Nguyễn Tuân (Hà Nội). Đây là dự án do TNR Holdings quản lí và phát triển.

Trước đó, TNG Holdings cũng từng là nhà đầu tư lập qui hoạch chi tiết 1/500 cho dự án Khu đô thị phía Đông (Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn) mà SMG làm chủ đầu tư.

Được biết, để đáp ứng yêu cầu về năng lực đối với dự án này, ngoài việc chứng minh thu xếp được vốn chủ sở hữu 450 tỉ đồng, SMG còn có cam kết cấp tín dụng của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đối với phần vốn còn lại, giá trị 1.371 tỉ đồng.

Tài sản đảm bảo cho cam kết tài trợ vốn là các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất từ dự án Khu đô thị mới phía Đông thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.