Rời quê vào TP Hồ Chí Minh học tập và làm việc được hơn chục năm nay, thế nhưng tôi chưa một lần ăn Tết ở nơi đất khách quê người. Đây là năm đầu tiên tôi đón Tết ở thành phố, càng đặc biệt hơn nữa khi đây là lần đầu tiên gia đình nhỏ của tôi ăn Tết ở chung cư mới.
Lật dở kí ức thời sinh viên, Tết của tôi là những ngày mong ngóng kết thúc môn học để xách ba lô lên xe đò về quê. Tiếp đó là chuỗi ngày chuẩn bị đón Tết cùng với gia đình, nào là dọn dẹp nhà cửa, cùng gói bánh chưng, phụ mẹ làm mứt và không thể thiếu đêm giao thừa cả gia đình tụ họp bên nồi bánh chưng thơm phức.
Ở lại thành phố làm việc nhiều năm sau đó, Tết của tôi cũng là khoảng thời gian được quây quần bên người thân, gia đình. Năm nay, gia đình nhỏ của tôi sẽ đón Tết ở một chung cư mới. Nhiều người nói, Tết của người xa quê ở thành phố rất buồn chán nhưng với tôi đây là một trải nghiệm thú vị.
Những ngày giáp Tết, nhìn dòng người hối hả mua sắm ngoài phố rồi sau đó lũ lượt về quê càng khiến tôi cảm thấy nôn nao. Các hành lang chung cư nơi gia đình tôi sinh sống ngày thường rộn rã tiếng nói cười thì giờ đây vắng lặng hẳn, một số gia đình cũng “tay xách nách mang”, đưa con cái về quê nội – quê ngoại ăn Tết.
Nhưng không vì thế không khí đón Tết ở chung cư trở nên buồn chán như những gì người ta hay nói. Như nhiều chung cư ở TP Hồ Chí Minh khác, Tết ở chung cư tôi sống vẫn rất rộn ràng, có chậu mai vàng đặt ở sảnh chung cư, có nhiều hoạt động tập thể chuẩn bị cho ngày Tết.
Nếu như ở quê, hết nhà này đến nhà khác tổ chức tiệc tất niên thì ở chung cư tôi sống, tiệc tất niên được chia thành nhiều buổi tiệc nhỏ của những gia đình cùng tầng. Nơi tổ chức tiệc là ở nhà nào rộng rãi hoặc có khi là hành lang chung cư. Mọi người tổ chức tiệc tất niên theo đúng kiểu “cây nhà lá vườn”, ai có gì thì góp nấy.
Nhiều món ngon từ khắp các miền quê đều được mọi người mang ra đãi hàng xóm, từ thịt nấu đông, dưa hành, nem rán hương vị Bắc cho đến bánh tổ, nem chua, thịt heo ngâm nước mắm của người miền Trung hay mắm gò công, khô nhái An Giang, lạp xưởng đặc sản miền Tây…
Sau những buổi tiệc tất niên ấy, các gia đình cùng nhau bắt tay vào chuẩn bị Tết. Bác trưởng ban quản trị chung cư nơi tôi sống là người đứng ra thống kê các khoản đóng góp của các hộ dân để mua lá dong, nếp, thịt heo, đậu xanh, lạt… để chuẩn bị gói bánh chưng.
Sảnh chung cư là nơi mọi người tụ họp để gói bánh chưng. Không khí trở nên náo nhiệt khi mọi người cùng tham gia, người thì gói bánh, người thì buộc lạt, người thì đi nhóm củi nấu bánh… Đây là dịp để các cháu bé có trải nghiệm đáng nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, còn với những người lần đầu ăn Tết xa quê như tôi sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà.
Tết ở chung cư vắng vẻ hơn so với ngày thường, một số gia đình chọn cách ăn Tết tại gia, nghỉ ngơi sau một năm tất bật với công việc, trong khi đó với những gia đình khác Tết đến là dịp để người thân cùng đi du lịch đây đó.
Riêng cảm nhận của tôi, cái Tết đầu tiên ở chung cư trôi qua thật chậm rãi, bình yên nhưng không vì thế mà thiếu đi sự ấm cúng từ những người hàng xóm tuy lạ mà quen.