Những ngày này tại Hà Nội, xưởng bánh gia đình của chị Phạm Thuỳ đang tất bật gói đến 1.000 chiếc bánh chưng nhân mật mỗi ngày.
Về món bánh nghe khá lạ tai, chị Thuỳ giải thích: "Thực ra đây không phải món mình tự nghĩ ra, mà là món bánh gia truyền. Nhà mình làm từ trước đến nay, cũng giống như bánh chưng vị truyền thống".
Bánh chưng nhân mật cũng có nguyên liệu như loại bánh truyền thống, nhưng thay vì nhân bánh chỉ gồm thịt heo và đậu xanh, gia vị thì loại bánh này có nhân hoà quyện bởi mật mía, đậu xanh và thịt heo.
Trước đây gia đình chị Thuỳ chỉ làm bánh để ăn và biếu tặng người thân bạn bè. Sau đó, mọi người đều thích và nhờ nhà chị gói giúp. Được mọi người ủng hộ nên gia đình chị quyết định đầu tư làm bánh bán, đến nay cũng đã được 3-4 năm.
"Mọi người ăn thử thì hầu như đều rất thích, do nếp dẻo, nhân mặn ngọt hài hoà. Mình chưa gặp bánh ở đâu giống vị bánh nhà mình", chị Thuỳ tự tin giới thiệu.
Theo chị Thuỳ, so với bánh thường thì bánh chưng nhân mật vất vả hơn trong việc thực hiện. Khó khăn nhất là đoạn làm nhân bánh, mất 4-5 tiếng mới được một mẻ.
Năm nay, nhu cầu đặt bánh cao gấp đôi năm ngoái, từ rằm tháng Chạp đến nay, không ngày nào nhà chị Thuỳ gói dưới trăm chiếc. Vì thế, chị phải thuê thêm 20 người phụ gói mới có thể xoay sở nổi.
Mỗi ngày, chị Thuỳ bán ra khoảng 1.000 chiếc bánh chưng. (Ảnh: Phạm Thuỳ).
Tuy thế, lượng đặt hàng đang ngày càng cao, có khi chị Thuỳ phải trễ hẹn giao bánh với khách. Khi được hỏi tại sao không gói bánh trước cho kịp giao hàng, chị giải thích: "Nhà mình chỉ nhận đặt rồi mới làm, vì muốn đảm bảo bánh luôn tươi mới".
Hiện tại, chị Thuỳ đang bán loại bánh chưng này với giá 90.000 đồng/chiếc, ngang giá với bánh chưng vị truyền thống.
Cũng có nhân khá lạ nhưng giá thành cao hơn gấp 2-3 lần bánh vị truyền thống, bánh tét nhân lạp xưởng - tôm khô vẫn được nhiều người dân miền Nam ưa chuộng. Loại bánh này thường được khách hàng có nhu cầu cao săn tìm để biếu tặng khách hàng, đối tác… dịp cuối năm.
Gói bánh tét cả chục năm nay, gia đình cô Võ Thị Chung, ngụ xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết loại bánh này được khách sỉ, chợ đầu mối nhập về số lượng khá lớn.
Bánh tét nhân lạp xưởng - tôm khô, mới nghe nhưng không lạ. "Đây là bánh dân gian phổ biến ở các gia đình miền Tây. Họ gói ăn chơi, đám tiệc… vì giá nhân cao, nên ít người gói bán. Kiểu nhân này là xuất phát từ ẩm thực dân gian, giao thoa văn hoá người Kinh - Hoa - Khmer", chị Ngọc Mến, con gái cô Chung giải thích.
Chị cho biết thêm, về cơ bản, bánh này vẫn giống bánh tét truyền thống, khác nhất là nhân. Chính bí quyết làm nhân sao cho ngon, tạo ra thương hiệu và nét riêng của mỗi gia đình chính là điểm hút khách của loại bánh này.
Bánh tét được biến tấu phần nhân đang thu hút nhiều khách trong nhu cầu biếu tặng dịp Tết. (Ảnh: Mai Thuỳ).
Trước bối cảnh giá heo tăng mạnh mùa Tết, nhiều người cho rằng các loại bánh chưng, bánh tét nhân độc lạ ra đời vừa có thể tiết kiệm tiền nguyên liệu, vừa có thể bán được giá cao hơn vị truyền thống. Thế nhưng cả chị Thuỳ và chị Mến đều phủ nhận việc này.
"Bánh tét nhân lạp xưởng - tôm khô hay nhân trứng muối thập cẩm, ngày trước đã có giá cao hơn bánh nhân thịt heo, vì giá thành các nguyên liệu làm nhân đều mắc. Vì thế, không có chuyện chúng tôi bán loại bánh này để tận dụng kiếm lời nhân lúc thịt heo tăng giá", chị Mến giải thích.
Chị Thuỳ cũng cùng quan điểm. "Mọi người hay nhầm bánh chưng nhân mật là bánh chay. Nhưng nhân bánh bên mình cũng có thịt lợn, lại là thịt lợn đen, nên việc thịt heo lên giá cũng ảnh hưởng khá lớn đến mùa bánh năm nay của bên mình", chị nói.
Một loại bánh chưng khiến nhiều bà nội trợ bàn tán dịp Tết Canh Tí này là bánh chưng cá hồi của đầu mối ở Hà Nội.
Theo ông Trịnh Xuân Giáp (Quận Ba Đình), vì kinh doanh nhà hàng Nhật Bản nên ông muốn đưa bản sắc Nhật vào món bánh chưng của người Việt Nam. Ông thay thế thịt heo trong nhân bánh chưng quen thuộc bằng cá hồi. Với loại nhân mới này, ông bán giá 580.000 đồng mỗi cặp và dự kiến hơn 1.600 chiếc "bánh chưng cá hồi" mùa Tết này .
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người dùng, bánh chưng nhân cá hồi có mùi tanh khá rõ, vỏ bành giống xôi hơn là bánh chưng. Sau khi thử, phần đông người dùng chung ý kiến: Bánh chưng với gạo nếp, đậu xanh, thịt heo truyền thống vẫn không gì có thể thay thế được.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020