TP HCM vận động người dân gói bánh tét, kho trứng ngày Tết bằng thịt heo đông lạnh

Sở Công Thương TP HCM vận động các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ hộp, hệ thống siêu thị, nhà hàng... tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thịt heo đông lạnh, nhập khẩu để chế biến các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, như bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, lạp xưởng, xúc xích…

Sở Công Thương TP HCM vừa có báo cáo về tình hình thị trường và các giải pháp ổn định giá mặt hàng thịt heo từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tí 2020. 

Theo Sở Công Thương, thời gian qua, dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp ngành chăn nuôi. Các khu vực trọng điểm chăn nuôi heo xung quanh TP HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An cũng xảy ra dịch, và đây được xem là nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng gấp đôi so với đầu tháng 9/2019.

Trước tình hình giá thịt heo tăng cao, để ổn định thị trường từ nay đến Tết Canh Tí khi nhu cầu tăng cao, Sở Công Thương muốn UBND TP HCM có văn bản kiến nghị các cơ quan Trung ương có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh, heo hơi từ các nước lân cận.

TP HCM vận động dùng thịt heo đông lạnh làm bánh tét, thịt kho trứng, lạp xưởng - Ảnh 1.

TP HCM vận động dùng thịt heo đông lạnh làm bánh tét, thịt kho trứng, lạp xưởng. (Ảnh: Phúc Minh).

Đồng thời, Sở Công Thương kiến nghị nên có chính sách hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế suất đối với mặt hàng thịt heo nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay. 

Cơ quan này cũng đưa ra các giải pháp tổ chức kết nối, hỗ trợ công ty chăn nuôi gia súc mở rộng thị trường, đưa sản phẩm thịt heo cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của thành phố.

Ngành công thương TP HCM khuyến khích người dân sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh nhập khẩu thay thế thịt heo nóng hoặc sử dụng các mặt hàng thay thế như thịt gà, trứng gia cầm và các loại thủy hải sản làm thực phẩm thay thế thịt heo.

Song song việc khuyến khích sử dụng thịt đông lạnh, Sở giao Ban Quản lí An toàn thực phẩm TP HCM tăng cường hướng dẫn sử dụng, phương pháp chế biến thịt đông lạnh, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe.

Sở Công Thương TP HCM vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ hộp, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thịt heo đông lạnh, nhập khẩu để chế biến các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, lạp xưởng, xúc xích… để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân thành phố.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương định hướng cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn, như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối… chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu.

Bộ cho rằng việc này nhằm thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Doanh nghiệp tuyên bố không lo thiếu thịt heo ngày Tết nhưng muốn tăng giá 

Trước tình hình giá thịt heo tăng liên tục những ngày qua, các doanh nghiệp lớn  tại TP HCM cam kết đủ nguồn cung thịt heo đảm bảo nhu cầu của người dân thành phố cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

Hệ thống Saigon Co.op đơn vị sở hữu một loạt điểm bán thuộc các thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… cho biết, đã chốt phương án đảm bảo nguồn cung thịt heo an toàn và giá tốt, dự kiến khoảng 3.500-4.500 tấn cho thị trường. 

TP HCM vận động dùng thịt heo đông lạnh làm bánh tét, thịt kho trứng, lạp xưởng - Ảnh 2.

Giá thịt heo cao nhất tại siêu thị Co.opmart và sườn non 260.000 đồng/kg. (Ảnh: Phúc Minh).

Các đơn vị cung cấp lớn cung cấp thịt cho Saigon Co.op gồm Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam…

Lãnh đạo hệ thống bán lẻ này cho biết hiện trung bình mỗi ngày, lượng thịt heo tiêu thụ khoảng 40-50 tấn, dự kiến sẽ tăng 30-40% trong dịp cao điểm Tết. Saigon Co.op sẽ đưa vào khai thác các mặt hàng thịt heo bảo quản mát sản xuất theo công nghệ lạnh châu Âu và các mặt hàng thịt heo thảo mộc... để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Ngoài thịt heo, hệ thống bán lẻ này cũng đã chuẩn bị một lượng lớn thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản để phục vụ cao điểm Tết.

Về phía Vissan, công ty cho biết tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết khoảng 800 tỉ đồng, tăng 10% so với tết 2019. Vissan sẽ tung ra thị trường 7.500 tấn thịt heo tươi sống, thịt bò 2.500 tấn, thực phẩm chế biến 5.000 tấn, tăng 5-17% so với cùng kì năm ngoái. 

Ngoài thịt nóng, năm nay Vissan cũng chuẩn bị 3.000 tấn thịt heo đông lạnh nhằm đáp ứng thị trường khi giá thịt heo trong nước biến động. 

Trước sức ép của giá thịt heo tăng cao gần đây, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết công ty đang đề xuất Sở Tài chính TP HCM tăng giá thịt heo bình ổn thị trường.

Theo ông, giá heo hơi đã tăng đến 300% nhưng doanh nghiệp chỉ mới được phép tăng giá bình ổn hai lần, tương đương 23,4%. Ông Phú khẳng định doanh nghiệp đang lỗ và không thể gồng nổi giá thịt heo, khi heo hơi liên tục tăng từng ngày và dự báo mức tăng chưa dừng lại khi Tết đã cận kề.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.